Tìm giải pháp ứng phó với dịch bệnh ở tôm nước lợ do xâm nhập mặn

19:09' - 31/03/2016
BNEWS Theo dự báo, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi diện tích thả nuôi tăng lên cùng điều kiện bất lợi của thời tiết, nhất là tình hình xâm nhập mặn ngày càng lan rộng.
Hạn, mặn nghiêm trọng khiến nhiều đầm nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau bị bỏ hoang. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang gặp những thách thức mới, đặc biệt là trong nuôi tôm nước lợ. Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị mở rộng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ và bàn giải pháp ứng phó với dịch bệnh thủy sản do xâm nhập mặn, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 31/3.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, trong đợt thả nuôi từ tháng 12/2015-3/2016, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên hầu hết các địa phương chỉ thả nuôi tôm nước lợ khoảng 70-80% diện tích so với cùng kỳ và lượng tôm giống chỉ đạt 50%. Điều này đã ảnh hưởng đến sản lượng tôm nguyên liệu trong thời điểm hiện nay.

Số liệu của Cục Thú y cho thấy, tính đến ngày 28/3, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại do dịch bệnh là trên 4.720 ha, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù, tình hình dịch bệnh giảm so với cùng kỳ cả về phạm vi và diện tích xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên khoảng 50% diện tích thiệt hại liên quan đến yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.

Tổng cục Thủy sản cũng ghi nhận, hiện nay đã một số tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, môi trường không ổn định, kết hợp với độ mặn cao đã làm cho tôm giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết ở vùng nuôi quảng canh cải tiến. Diện tích thiệt hại ước tính 2.000 ha.

Ngoài xâm nhập mặn, tình trạng ô nhiễm ở vùng nuôi đang diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, sau một thời gian nuôi tôm thẻ thì các ao nuôi bị ô nhiễm nặng nề. Hiện tại người dân chỉ mới có cách xử lý là phơi ao, diệt mầm bệnh, nhưng các hóa chất, kháng sinh vẫn còn. Do đó, cần có những nghiên cứu cách khắc phục chứ không thể cứ ô nhiễm rồi đào ao mới, sau đó chỉ nuôi 1-2 năm rồi lại ô nhiễm.

Để đảm bảo sản lượng tôm nước lợ trong năm 2016 không giảm so với cùng kỳ, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương phải có giải pháp hiệu quả bảo vệ diện tích nuôi tôm hiện có, không bị dịch bệnh và xâm nhập mặn tác động.

Các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương phải cập nhật thường xuyên những thông tin khoa học mới nhất để ứng phó với dịch bệnh trong đợt thả nuôi tôm mới vào tháng 5-6 tới đây.

Trong đó, có 4 loại bệnh cần theo dõi thường xuyên, gồm bệnh đốm trắng, siêu gan tụy cấp, bệnh chậm lớn và virut gây bệnh hoại tử máu, biểu mô. Đồng thời, có những biện pháp kiểm soát tốt dịch bệnh ở tôm bố mẹ, đặc biệt là tôm nhập khẩu và các trại tôm và giám sát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng.

Để ứng phó với xâm nhập mặn, Viện Nghiên cứu môi trường thủy sản II đề xuất một số giải pháp như nuôi tôm thẻ băng công nghệ biofloc nhằm hạn chế thay nước; xây dựng và phát triển mô hình nuôi theo hướng có kiểm soát tốt và chủ động hơn, đảm bảo độ sâu để ổn định nhiệt độ, ít thay nước, lắng trữ nước có độ mặn thấp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục