Tìm lối đi khác khi dịch vụ cấp cứu 115 không hiệu quả

08:53' - 13/03/2016
BNEWS Với mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình cấp cứu ngoại viện, bên cạnh trung tâm cấp cứu 115 của ngành y tế công.
Mô hình cấp cứu ngoại viện sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Ảnh: TTXVN

Mô hình cấp cứu ngoại viện mới và xã hội hóa cấp cứu ngoại viện là yêu cầu bức thiết đang được đặt ra để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân khi cần gọi cứu thương ngoại viện.

* Người dân chưa “mặn mà” với hệ thống cấp cứu hiện tại

Theo thống kê của ngành y tế, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 200 xe cấp cứu, tuy nhiên số xe cấp cứu này chủ yếu được dùng để chuyển bệnh nhân giữa các bệnh viện. Xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 cũng chủ yếu phục vụ yêu cầu của hội nghị, lễ hội…

Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa hình thành được một cơ quan điều hành thống nhất hệ thống cấp cứu hiện có để khai thác và sử dụng hiệu quả, nên người dân chưa tin tưởng.

Phản ánh của nhiều người dân cho thấy, khi gọi cấp cứu 115 nhanh nhất cũng phải mất trên 15 phút xe mới tới chỗ người bị nạn. Vì xe cứu thương không tới kịp thời nên nhiều trường hợp đã không tận dụng được thời gian vàng để cứu sống người bị nạn. Lo ngại xe cấp cứu chậm trễ nên nhiều người đã lựa chọn những phương tiện khác để di chuyển tới bệnh viện khi cần.

Anh Trần Tuấn Vũ sống ở quận Gò Vấp, có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chia sẻ: “Cách đây một ngày con tôi bị sốt cao trên 40 độ, bị co giật liên hồi, khó thở. Nếu gọi xe cấp cứu sẽ không kịp thời nên tôi đã gọi taxi đưa con tới bệnh viện. Nhờ nhanh chóng đưa vào bệnh viện mà giờ đây tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định”.

Theo ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh: Hệ thống cấp cứu của thành phố chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân nên họ chưa dùng nhiều. Người bị nạn cần cấp cứu tại chỗ và cần vận chuyện đúng cách, nhưng do không được cấp cứu tại chỗ lại được vận chuyển bằng những phương tiện không an toàn sẽ có nhiều sự cố xảy ra.

Người dân chưa mặn mà với hệ thống cấp cứu hiện tại. Ảnh: congannhandan

* Mô hình cấp cứu ngoại viện “Paramedic”

Sở dĩ Trung tâm cấp cứu 115 chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là về thời gian, một phần do trung tâm chỉ có 5 trạm cấp cứu vệ tinh với 6 xe cấp cứu.

Con số này còn quá ít so với quy mô dân số của thành phố trên 8 triệu người, nhất là tình trạng giao thông thường xuyên tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Nhưng muốn tăng số trạm cấp cứu lại không tuyển được bác sĩ, điều dưỡng cho các trạm.

Chính vì vậy, trong thời gian tới Sở Y tế sẽ phát triển Trung tâm cấp cứu 115 bằng cách không sử dụng bác sĩ, điều dưỡng mà sử dụng “Paramedic” – nhân viên sơ cấp cứu ngoại viện.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Paramedic – họ không phải là bác sĩ, điều dưỡng, nhưng vẫn có chuyên môn sơ cứu chuyên nghiệp đi theo xe cấp cứu. Họ được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ sau khi học xong phổ thông hoặc từ điều dưỡng... được đào tạo chương trình cấp cứu y tế ngoại viện.

Các nhân viên này sau khi tốt nghiệp cơ bản (trung cấp) sẽ phải thực hành thêm 1 năm mới được cấp bằng chứng nhận nhân viên cấp cứu y tế ngoại viện và đi làm tại trung tâm cấp cứu.

Ngoài ra, các bệnh viện sẽ không có xe cứu thương, chỉ có các trạm cấp cứu mới có xe cứu thương và chịu trách nhiệm vận chuyển người bệnh. Mô hình này được triển khai ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Canada, Mỹ…

Hiện tại, việc đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện đang được triển khai với sự hỗ trợ của các trường đại học nước ngoài. Theo đó, chương trình đào tạo nhân viên cấp cứu ngoại viện sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Như vậy, chúng ta không chỉ đào tạo đội ngũ Paramedic cho thành phố mà còn có thể cung ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh trong khu vực và có thể cho các nước có mô hình này.

"Hệ thống cấp cứu của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp cứu của người dân khi thành phố mạnh dạn đổi mới hệ thống cấp cứu ngoại viện theo mô hình Paramedic” – Bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

* Đa dạng các mô hình cấp cứu ngoại viện theo hình thức xã hội hóa

Bên cạnh Trung tâm cấp cứu 115, gần đây các cơ sở y tế tư nhân trong và ngoài nước tại thành phố cũng phát triển mô hình cấp cứu ngoại viện. Điều này phù hợp với chủ trương xã hội hóa y tế của thành phố, đồng thời giúp người dân có thể lựa chọn những dịch vụ cấp cứu tốt nhất phù hợp khả năng tài chính của họ.

Hiện tại, thành phố có những trung tâm cấp cứu tư nhân đang hoạt động như: Trung tâm cấp cứu Vạn Khang SOS, trung tâm cấp cứu của phòng khám Family Medical Practice Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài).

Đây là những mô hình mới, tiên phong hiện đại và có sự khác biệt so với dịch cụ cấp cứu 115 hiện có của thành phố. Chẳng hạn, khi bệnh nhân gọi đến các trung tâm cấp cứu này, trong khi chờ đợi xe cấp cứu tới chỗ người bị nạn tổng đài viên vẫn sẽ tiếp tục tư vấn cho bệnh nhân hoặc người nhà cách sơ cấp cứu ban đầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục