Tìm về con chữ ngày Xuân

05:38' - 28/01/2017
BNEWS “Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già, bày mực Tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua...” . Mỗi độ Tết đến, xuân về, tôi lại nhớ về ngày còn nhỏ với những vần thơ này của nhà thơ Vũ Đình Liên.

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, tôi lại nhớ nhiều hơn về ngày còn nhỏ với những vần thơ này của nhà thơ Vũ Đình Liên. Hồi đó, những ngày giáp Tết, cha thường hay chở mấy anh em chúng tôi xuống phố chọn hoa và đi xin chữ, xin câu đối cho ngày Tết. Ngày đó, thấy tôi không hiểu nhiều về tục xin chữ, cha vẫn nói, xin chữ cũng còn tùy theo nguyện vọng của người xin.

Trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì xin, người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ Lộc, người cầu con cái xin chữ Phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ Thọ…

Các bạn trẻ mua chữ đầu năm để cả năm đón tài lộc, may mắn vào nhà. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Sau nhiều năm miệt mài với con chữ, giờ tôi cũng hiểu được nhiều hơn ý nghĩa của con chữ xin ngày Tết. Mỗi năm, sau khi đã lo toan sắm sửa được cái Tết về vật chất, tiễn ông Táo về Trời, lo nồi bánh chưng, mâm ngũ quả cúng bàn thờ gia tiên, con trẻ hồ hởi với chiếc áo mới, thì cũng là lúc tôi tìm về nét đẹp tinh thần  xưa, đi xin cho được câu đối - con chữ mang về đón năm mới.
Tục xin chữ, cho chữ đầu năm đã là một nét đẹp văn hóa qua nhiều thế hệ. Tại nhiều thành phố trên cả nước, vẫn còn đó những mảnh đất cho cái chữ ngự trị. Và mảnh đất Thăng Long - Hà Nội với truyền thống văn hiến lâu đời, với những con người thanh lịch chính là “cái nôi” nuôi dưỡng con chữ. Đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tôi cũng muốn tìm về cái đẹp tinh túy, mang hồn thiêng đất Việt mà cha ông để lại.
Vào những ngày Tết, người ta bày giấy đỏ, mực Tàu, với những ông Đồ già khăn đóng, áo dài thâm, quần chúc bầu trắng, chải chiếu ngồi mài mực. Bên nghiên mực, bên giấy đỏ, ông Đồ thảo những dòng chữ Hán, chữ Nôm, nét khẳng khái, nét thanh thoát, như rồng bay phượng múa. Không khí như rực rỡ màu sắc và trang trọng hơn nhờ những tấm giấy, con chữ chan chứa hồn Việt.
Qua lời ông Nguyễn Trần Đệ - ông Đồ già tại Văn Miếu, những người già cao tuổi thường hay xin chữ Hiếu, chữ Đức về cho con, người trẻ có hiếu hay xin chữ Phúc, chữ Thọ cho bố mẹ, ông bà. Người đi làm thường xin chữ Nhẫn, Tài, Lộc, những người buôn bán thường hay xin chữ Phát, chữ Lộc; các gia đình lại xin chữ Hạnh Phúc. Trong tất cả, chữ Tâm là chữ được nhiều người xin nhất, thường đi kèm với chữ Tâm có hàng chữ nhỏ Phúc Tự Tâm Sinh nghĩa là do cái “tâm” của mình mà sinh ra cái “phúc”.

Du khách say sưa ngắm từng nét chữ của ông đồ. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN

Người xin chữ cũng có thể xin chữ các ông Đồ viết theo những chữ mà mình thích, có thể là một câu thơ hay một chữ bất kỳ, những chữ gắn với một năm mới sắp đến, những chữ mong ước, khát vọng trong cuộc sống.
Chơi câu đối Tết không thể đơn giản, không qua quýt như chơi hoa, chơi cây mà phải chơi bằng cái tâm, cái tình. Vì xin chữ, xin câu đối là xin một tác phẩm hoàn mỹ, giàu ý nghĩa nhân sinh, văn hóa dân tộc như: Câu phú trong vế đối, nét chữ, loại mực, chất liệu làm nên tranh đối… Chọn câu đối Tết cũng là cả một nghệ thuật thể hiện rõ khả năng thẩm mỹ, trí tuệ của người xin và người cho chữ.
Người xin chữ mong xin được đúng với tâm nguyện của bản thân, của gia đình, tất cả đều có cầu mong những điều tốt lành trong năm mới. Trong ngày Tết nếu thiếu đôi câu đối đỏ treo trong nhà thì phong vị Tết Việt dường như thiếu đi một điều gì đó thật khó tả.
Bởi thế mà từ xưa, nhà nghèo khó cũng xin ít nhất được một chữ, nhà khá giả trở lên thì xin đôi câu đối đỏ. Nhà có học thức càng cao thì nét chữ càng phải thanh tao, bay bổng, ý nghĩa sâu xa, chất liệu làm nên câu đối lại càng trân quý. Câu đối Tết cũng lựa theo thứ bậc tình cảm mà thể hiện nội dung, ý tứ.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, thú chơi câu chữ, chơi câu đối có thể không còn được thuần túy như người xưa, nhưng nếu có thể được treo chữ, câu đối đỏ trong nhà ngày Tết cùng với những ước vọng trong năm mới thì nét nhân văn, cái hồn Việt vẫn sẽ theo trong tâm thức mỗi người con Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa văn hoá trong ngày Xuân.
Hoa đào vẫn nở đỏ và xin chữ, vẫn sẽ là nét đẹp của mảnh đất Thăng Long Hà Nội, của người dân Việt. Tôi cũng gắng xin cho mình được chữ Tâm và dặn lòng mình: Trăm năm tóc cũng đổi mầu/Chữ Tâm sáng mãi giữa dòng thời gian...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục