Tín dụng “mở” nhưng vẫn “tắc” đầu ra

16:00' - 13/11/2015
BNEWS Tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng là một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đây là phần nổi của tảng băng chìm mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh: TTXVN 

Một trong rất nhiều khó khăn, vướng mắc đang “trói chân” các doanh nghiệp hiện nay là vấn đề tiếp cận nguồn vốn, tín dụng cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là phần nổi của tảng băng chìm mà giới doanh nghiệp, doanh nhân trong nước đang phải đối mặt. 

Phản ánh thực trạng này, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang rất “chật vật” tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nghịch lý là những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn thì họ không cần vay, cho dù phía ngân hàng “năn nỉ”, thậm chí ưu đãi lãi suất rất thấp. Bởi lẽ, vấn đề đầu ra của họ chưa được giải quyết tốt, hàng làm ra không tiêu thụ được và giá cả sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp cần tín dụng ngân hàng lại không đủ điều kiện vay, bởi không có tài sản thế chấp, hiệu quả kinh doanh không được tốt, nên có lẽ phía ngân hàng lo nếu cho vay sẽ rủi ro cao và nợ xấu sẽ lại tăng thêm. 

Theo phân tích của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, năm nay, nhờ chính sách điều hành lãi suất nên công tác huy động vốn của các ngân hàng thương mại đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, tăng trưởng dư nợ tín dụng cho vay dù tăng khoảng 17%, song chưa đạt mức cao tương ứng và chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách là tăng cường cho vay tới các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo động lực phát triển nền kinh tế. 

Chính phủ chủ trương ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đồng thời ban hành nhiều chính sách kích cầu, giãn thuế, hỗ trợ thị trường… như Nghị quyết 13/2012/NQ-CP; Nghị quyết 02/2013/NQ-CP và Nghị quyết 61/2014/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu; Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về  phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị định 41/2010/NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản… 

Cùng với nhiều gói tín dụng của Chính phủ như Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng; Gói 10.000 tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản, Gói tín dụng 12.000 tỷ đồng cho vay vốn tái canh cây cà phê… các ngân hàng thương mại cũng giới thiệu những sản phẩm cho vay đa kỳ hạn của riêng mình như Gói tín dụng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Gói tín dụng 3.500 tỷ đồng cho vay nhu cầu nhà ở của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng của ngân hàng An Bình (ABBank)… 

Như vậy, Chính phủ và khối ngân hàng đã “mở” các cánh cửa tín dụng để mọi thành phần kinh tế đủ điều kiện có thể tiếp cận vay vốn. 

Theo đánh giá của PGS.TS Lê Thị Kim Nhung, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại, “phía các ngân hàng thương mại đã có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời chủ động hơn trong việc tiếp cận doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu vay vốn, theo dõi sát sao hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm phù hợp”. 

Để lý giải cho sự “lấn cấn” trong thẩm định cho vay tín dụng đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng là do không hội tụ đủ các điều kiện vay chứ không phải do quy trình, thủ tục hay ngân hàng thiếu vốn. 

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không chỉ không chứng minh được tính khả thi của phương án vay vốn, mà hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng không đủ thuyết phục sự tín nhiệm đối với các ngân hàng đi vay. Thêm nữa, doanh nghiệp không thực hiện sự minh bạch, rõ ràng trong các báo cáo tài chính, không thực hiện kiểm toán đầy đủ, thậm chí hạch toán kế toán sai và nhiều số liệu tài chính mâu thuẫn, ông Tâm cho biết. 

Rủi ro hơn, nhiều doanh nghiệp còn mất cân bằng về tài chính, lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, trong khi hiệu quả sử dụng vốn thấp, nộp thuế rất thấp 

Cùng có chung quan điểm, ông Võ Tân Thành, cho biết, sự thực là có tình trạng, nhiều doanh nghiệp thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính khiến các ngân hàng “từ chối” cho vay là có cơ sở và đúng với yêu cầu đảm bảo an toàn tín dụng.

Đó là chưa kể, ở nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, do quy mô nhỏ lẻ theo kiểu gia đình nên công tác quản trị còn lỏng lẻo, trình độ điều hành còn hạn chế do thiếu đào tạo và kỹ năng cơ bản cần có của một doanh nghiệp, ông Thành xác nhận. 

Để có được giải pháp hữu dụng cho vấn đề này, vừa là giúp gỡ vướng cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với tín dụng ngân hàng, vừa là cách tháo đầu ra và đẩy mạnh cho vay đối với các ngân hàng thương mại, theo Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay hơn nữa so với mặt bằng chung lãi suất từ 7% đến 9% như hiện nay. 

Thậm chí, nếu cần có thể giảm tiếp lãi suất huy động vốn. Bởi lẽ với mức lãi suất huy động khoảng 6% đến 7% như hiện nay thì ngân hàng khó có thể kéo lãi suất cho vay thấp hơn mức đó. Vì dù sao, ngân hàng cũng chính là một doanh nghiệp. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Thành cho biết, ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng thường cho vay với lãi suất thấp và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các ngân hàng cần tăng cường cơ chế cho vay tín chấp, thay vì “bó cứng” việc đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Các ngân hàng thương mại phải có đội ngũ đủ trình độ chuyên môn cao để thẩm định tính hiệu quả của các dự án kinh doanh, các phương án vay vốn của doanh nghiệp. Thậm chí, ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường ...

Ngân hàng nên sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần vừa hỗ trợ doanh nghiệp và vừa đẩy mạnh hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho chính mình, ông Thành nhấn mạnh./. 

Thạch Huê/BNEWS-TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục