Tính khả thi cho chiến lược tăng trưởng xanh cấp tỉnh

12:03' - 01/12/2017
BNEWS Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cần đảm bảo tính khả thi về tài chính, năng lực thực hiện, chú trọng đến tính đa mục tiêu, liên vùng, liên ngành và có sự tham gia của cộng đồng.

Hội thảo  “ Lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh”. Ảnh:Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 1/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứ Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “ Lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh”. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cùng nhau chia sẻ, thảo luận và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở cấp tỉnh hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, chiến lược tăng trưởng xanh là cần thiết nhưng chưa được đưa vào công tác thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương. Vậy, làm thế nào để mục tiêu tăng trưởng xanh đi vào hoạt động hàng ngày, lồng ghép vào những vấn đề ưu tiên của Chính phủ, địa phương và các Bộ, ngành; lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội một cách hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, chi tiết hóa các hoạt động cần thiết để thực thi chiến lược tăng trưởng xanh. Chiến lược tăng trưởng xanh đã đưa ra 17 nhóm giải pháp, với nhiều giải pháp cụ thể khác nhau ở mỗi nhóm.
Theo đó, kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia bao gồm 4 chủ đề chính, với 12 nhóm hoạt động và 66 hoạt động cụ thể; trong đó có 23 hoạt động ưu tiên; đồng thời, rà soát điều chỉnh các quy hoạch phát triển 7 ngành: năng lượng; công nghiệp; nông lâm thủy sản; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên – môi trường, khoa học- công nghệ theo định hướng tăng trưởng xanh. Đến thời điểm này, cả nước đã có khoảng 40 tỉnh/thành phố có kế hoạch tăng trưởng xanh cấp tỉnh.
TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho biết, nhận thức về lồng ghép hành động tăng trưởng xanh trong kế hoạch của các tỉnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo và thiếu kết hợp giữa các bên liên quan, thiếu nguồn lực triển khai, còn làm một cách hình thức, làm kiểu dự án…
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bà Nguyễn thị Kim Dung, chuyên gia kinh tế độc lập cho biết, cần đảm bảo tính khả thi về tài chính, năng lực thực hiện, chú trọng đến tính đa mục tiêu, liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực, có sự tham gia của cộng đồng.
TS. Trần Đại Nghĩa cho rằng, cần tập trung vào các can thiệp có tính khả thi, các đầu vào phù hợp với nguồn lực của địa phương, các định hướng chiến lược của tỉnh, ngành; đồng thời, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả và hợp lý.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để tìm ra các điểm tiếp cận đầu vào cho việc lồng ghép tăng trưởng xanh cần lưu ý tính nhất quán của quá trình xây dựng quy hoạch, chiến lược và kế hoạch hành động; khả năng tham gia của các bên liên quan, cơ chế phối kết hợp cho quá trình xây dựng và triển khai; các hoạt động ưu tiên nâng cao năng lực chống chịu, các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục