Tinh thần Chính phủ kiến tạo đi vào cuộc sống

21:19' - 18/11/2017
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Nội, Quảng Nam và Cà Mau về phần trả lời chất vấn của Thủ tướng.
* Minh bạch trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội
Cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá tinh thần Chính phủ kiến tạo đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho kết quả kinh tế - xã hội năm 2017.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ dành một buổi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội đã thể hiện quyết tâm, tinh thần kiến tạo của cá nhân Thủ tướng cũng như Chính phủ, đó là trách nhiệm giải trình cao hơn, minh bạch các vấn đề quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Lê Thanh Hải, những chỉ tiêu quan trọng của năm 2017 dự kiến đều đạt được theo kế hoạch đề ra là sự nỗ lực rất cao của Chính phủ, không chỉ năm nay mà đó là quá trình suốt từ đầu nhiệm kỳ. Ấn tượng nhất là chỉ tiêu kinh tế - xã hội quý III/2017 có nhiều triển vọng và xem như bước đột phá so với các quý trước, cũng như cùng kỳ những năm trước.

Những phản hồi của doanh nghiệp được ghi nhận tại Trung tâm, cũng như Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố thời gian gần đây khá tích cực, chứng tỏ chủ trương Chính phủ kiến tạo đã đi vào cuộc sống.
Chuyên gia kinh tế Phạm Ngọc Hưng (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - Trưởng Văn phòng luật Phạm Hưng) cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP 6,7% mà chúng ta đạt được là một điểm rất tốt, điều bất ngờ lớn, vượt dự báo của các chuyên gia khi đánh giá chỉ tăng trưởng tối đa 6,5%.

Sự chuyển biến lớn là phong trào thu hút đầu tư, khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong đó nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đã “rót vốn” vào Việt Nam, chất lượng đầu tư gắn với công nghệ mới. Điều này thể hiện chính sách của chúng ta được cải thiện, thái độ của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp đã chuyển biến rõ rệt, theo hướng phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia Phạm Ngọc Hưng, vấn đề chất lượng tăng trưởng cần phải được phân tích sâu hơn, bởi vẫn chịu tác động lớn từ đầu tư thêm của doanh nghiệp FDI và xuất khẩu của các tập đoàn FDI. Dù vậy, chuyên gia Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh, có thể tốc độ tăng trưởng 6,7% chưa bền vững, nhưng điểm nhấn quan quan trọng nhất trong năm 2017 là ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt vấn đề trượt giá, tỉ giá… dù chúng ta đối mặt với thiên tai gây thiệt hại nặng nề. Đây mới là cơ sở vững chắc cho năm 2018, bởi điều này giúp doanh nghiệp yên tâm trong đầu tư, kinh doanh.
Liên quan giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, chuyên gia Phạm Ngọc Hưng cho rằng, chưa cần nhiều chính sách mới mà chúng ta nên tập trung mạnh mẽ thực hiện các giải pháp được đề ra trong năm 2017 cũng như từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ. Giải pháp chúng ta đưa ra đã phù hợp, chỉ cần thực hiện đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cao.
Cùng nhận định trên, ông Lê Thanh Hải cho rằng, kết quả năm nay sẽ là tiền đề để năm 2018 đạt được các chỉ tiêu cao hơn (hoặc ít nhất là bằng) và xa hơn là cả nhiệm kỳ 2016 - 2021. Năm nay, chúng ta tổ chức Năm APEC thành công cũng sẽ tạo khí thế mới cho doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương để những chủ trương đề ra đi sâu vào đời sống xã hội.
* Quan tâm trực tiếp đến nông thôn
Ông Nguyễn Long, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Nghi Trung, huyện Nghi Lôc, tỉnh Nghệ An, cho rằng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu và trả lời chất vấn trong phiên họp chiều 18/11 là thẳng thắn, làm rõ được trách nhiệm của Chính phủ, cá nhân của Thủ tướng trong nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây cũng là những vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm, mong muốn và kỳ vọng. Nhiều vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, tham nhũng, lãng phí, nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, cổ phần hóa… đều được Thủ tướng trả lời một cách rõ ràng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Qua trả lời của Thủ tướng, cử tri đã có thêm được nhiều thông tin, hiểu rõ thêm được những việc mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang làm. Đúng như Thủ tướng nói, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã cải thiện rõ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở đất nước ta, tham nhũng, lãng phí đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân, thiệt hại cho quốc kế dân sinh. Chính phủ cần mạnh tay, xử lý dứt điểm các vụ việc, công khai rõ ràng việc xử lý để cử tri biết.
Bà Hoàng Thị Lan, nông dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, nhận xét năm 2017 nước ta liên tiếp bị nhiều trận thiên tai, gây thiệt hại rất lớn. Nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng và thiệt hại trực tiếp. Chính phủ và các địa phương đã rất quan tâm đến đời sống người nông dân, đưa ra nhiều giải pháp giúp nông dân vượt qua khó khăn, ổn định dần cuộc sống.

Gần đây, đời sống nông dân tại Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều khởi sắc, đói nghèo, lạc hậu dần được đầy lùi. Tuy nhiên, các vùng nông thôn đang đối mặt với nhiều khó khăn mới, như đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện các dự án, lao động nông thôn không có việc làm, con em nông thôn học ra trường chưa xin được việc làm, giá cả nông sản thấp…

Cử tri nông thôn mong rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những quyết sách hiệu quả, quan tâm trực tiếp đến nông thôn, mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các vùng nông thôn, cho nông dân. Đơn cử, Chính phủ nên ưu tiên đưa các dự án sản xuất về các vùng nông thôn, chứ không chỉ tập trung ưu tiên ở những vùng giáp ranh thành phố hoặc những vùng có thuận lợi về giao thông, hạ tầng điện nước.
* Lắng nghe dân để có chính sách hợp lòng dân
Đại biểu Quốc hội đã chất vấn thẳng thắn những vấn đề cử tri quan tâm. Người đứng đầu Chính phủ, mặc dù trong thời gian giới hạn nhưng đã thể hiện việc nắm vấn đề rất bao quát, phần trả lời rất rõ ràng, cầu thị, đi thẳng vào các vấn đề... Đó là nhận xét của đông đảo cử tri thành phố Hà Nội về phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vào chiều 18/11.
Đặc biệt quan tâm đến trả lời của Thủ tướng Chính phủ về tình hình khối doanh nghiệp FDI thời gian qua, cử tri Phạm Ngọc Huyền, Thạc sỹ, giảng viên Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, tán thành ý kiến của người đứng đầu Chính phủ “đến giai đoạn này chúng ta cần phải lựa chọn khi kêu gọi đầu tư vào cái gì, chứ không phải là chấp thuận đầu tư mọi thứ như trước”.
Theo phân tích của cử tri Phạm Ngọc Huyền, sau 30 năm, nguồn vốn FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong 8 tháng năm 2017, dòng vốn FDI chảy vào Hà Nội là 3,11 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn, các dự án FDI hiện đang lộ rõ những tồn tại, bất cập, mà nổi lên là vấn đề về chuyển giá.
“Các doanh nghiệp FDI có thủ đoạn nâng khống giá trị góp vốn bằng cách đẩy giá các máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, hoặc "down" giá hàng hóa nhập khẩu, khai sai chủng loại hàng hóa, biến hàng mới thành hàng đã qua sử dụng; lợi dụng các chế độ ưu đãi để nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa.

Đến thời điểm này, Hà Nội có trên 21,5 vạn doanh nghiệp, trong đó có hàng ngàn doanh nghiệp FDI. Không ít trong số này lách luật, tìm kẽ hở để vô hiệu hóa các sắc thuế Nhà nước”, cử tri Phạm Ngọc Huyền phân tích.
Đánh giá cao phần đăng đàn trả lời chất vấn của Thủ tướng, cử tri Trần Thanh Thủy, cán bộ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam chi nhánh Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), nhận xét: Câu hỏi các đại biểu đặt ra đối với người đứng đầu Chính phủ có phạm vi nội dung rộng, liên quan đến nhiều vấn đề.

Nhưng trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nghiêm túc lắng nghe, báo cáo, giải trình thấu đáo và đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
“Tôi rất mừng khi Thủ tướng thẳng thắn trả lời đại biểu là chưa được hài lòng trong điều hành kinh tế - xã hội và chỉ rõ nỗi lo còn trong bộ máy những cán bộ nhũng nhiễu, chưa sát dân, gần dân, xa dân, quan liêu, khiến nhân dân không tin tưởng. Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ tiếp tục kiến tạo, liêm chính, cán bộ một ý chí phục vụ nhân dân, không còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh'', cử tri Trần Thanh Thủy bộc bạch.
Đóng góp ý kiến tới Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội, cử tri Trần Thanh Thủy bày tỏ: Bên cạnh kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân thì rất mong Thủ tướng, Quốc hội lắng nghe những ý kiến từ người dân để ngày càng có những chính sách hợp lòng dân, vì dân. Theo cử tri, vừa qua Bộ Tài chính đưa ra lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng từ đầu năm 2019.

Sắc thuế này nếu được chấp thuận tăng theo phương án từ 10% lên 12% có thể gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội, tác động sâu rộng và tiêu cực tới đời sống của mọi người dân và nền kinh tế, đặc biệt là hàng chục triệu người dân có thu nhập thấp và trung bình. “Rất mong Thủ tướng và Quốc hội cân nhắc trước chủ trương tăng thuế VAT của Bộ Tài chính”, cử tri Trần Thanh Thủy mong mỏi.
Đồng tình với nhận xét trên, cử tri Trần Khánh Dung, Tiến sỹ, giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) bày tỏ mong đợi Chính phủ và Quốc hội căn cứ vào mức sống thực tế của đại bộ phận người dân để có chủ trương, chính sách phù hợp, vừa có lợi cho nền kinh tế nước nhà, vừa tạo đồng thuận xã hội. “Chiều nay trước Quốc hội, Thủ tướng nói rất rõ về thuế, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, chúng ta đứng thứ 4 ASEAN nhưng còn xa so với các nước đứng trước ta.

Cần tiếp tục cải cách thủ tục thuế, chất lượng phục vụ của cán bộ thuế, thu thuế điện tử. Rất mong Chính phủ chỉ đạo cơ quan quản lý nghiên cứu kỹ hơn nữa cách thu thuế của những đối tượng khác đang bị sót lọt để vừa bảo đảm lợi ích quốc gia vừa tạo công bằng cho xã hội”, cử tri Trần Khánh Dung kiến nghị.
Theo ý kiến của cử tri Trần Khánh Dung, Luật Thuế Thu nhập cá nhân được thi hành từ năm 2007 đến nay, dù có sửa đổi, bổ sung vài lần nhưng vẫn nhiều bất cập, có những điểm không hợp lý và thiếu công bằng. Cử tri đưa ra dẫn chứng cụ thể: Có rất nhiều thực tế cho thấy, người thu nhập nhiều đóng ít, còn người thu nhập ít lại đóng không sót một đồng thuế thu nhập cá nhân. Ví dụ như giữa người làm công ăn lương với người bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm.

Những người làm công ăn lương, ngay khi phát sinh thu nhập đã được chính nơi chi trả trừ thuế. Phương pháp tính thuế là theo bậc lũy tiến. Từ 9 triệu đồng trở lên là bắt đầu đóng thuế, 5 triệu đầu tiên đóng 5% rồi cứ thế tính lên. Cao nhất là đóng 35% cho các khoản thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, những người bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm... lại đang được hưởng chính sách đóng thuế vãng lai 10% trên doanh thu từng lần.
Tâm đắc với trả lời của Thủ tướng về "cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ thu hút vốn nguồn lực vào mà còn góp phần chống tham nhũng, tiêu cực", cử tri Trần Khánh Dung cũng kiến nghị thêm: Đối với doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ, đề nghị Nhà nước phải thu hồi quỹ có nguồn gốc là vốn của Nhà nước để tại doanh nghiệp và tiền thu từ cổ phần hóa về để trả nợ công. Đề nghị Chính phủ tuyệt đối không để doanh nghiệp sử dụng gây thất thoát lãng phí nguồn tiền này.
* Phong cách trả lời chất vấn thẳng thắn, quyết liệt
Cử tri Phạm Công Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Qua theo dõi phiên giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ tại Hội trường Quốc hội trên ti vi, cử tri thấy các vị đại biểu Quốc hội đã nêu những câu hỏi có nội dung bao quát rộng lớn, được nhiều cử tri quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời thẳng thắn, lập luận chặt chẽ, đưa ra những số liệu hết sức thuyết phục. Cử tri rất phấn khởi khi Chính phủ đạt được 13 chỉ tiêu về kinh tế- xã hội mà Quốc hội giao năm 2017, trong bối cảnh nước ta gặp nhiều khó khăn do thiên tai gây ra.
Công tác chỉ đạo phòng chống và khắc phục thiên tai của Chính phủ thời gian qua cũng rất kịp thời và quyết liệt, qua đó đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, cần Chính phủ tháo gỡ trong thời gian tới.

Đối với vấn đề phòng chống tham nhũng, thời gian qua nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nhưng Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và có những giải pháp hiệu quả để thu hồi tài sản từ những vụ án tham nhũng. Vấn đề cử tri cảm thấy tâm đắc nhất là Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến nội hàm của Chính phủ kiến tạo, đó là chủ động trong xây dựng thể chế chính sách, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, qua đó phục vụ người dân được tốt hơn.
Cử tri Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho rằng: Phong cách trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ đã làm hài lòng cử tri ở tinh thần trách nhiệm rất cao, thẳng thắn và quyết liệt. Đặc biệt, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước.

Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đang là vấn đề được cử tri hết sức quan tâm. Sự quyết liệt, quyết tâm đổi mới, “kiến tạo, hành động” của Chính phủ trong thời gian qua chưa nhận được sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của hệ thống cơ quan hành chính các cấp. Thời gian tới, ông mong muốn Thủ tướng Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết triệt để tình trạng trên; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức sách nhiễu, tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ.
* Cử tri phấn khởi trước sự tăng tưởng kinh tế đất nước
Kỹ sư Nguyễn Văn Thước, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau chia sẻ: Bắt đầu phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo khá toàn diện công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ, phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ổn tình hình an ninh - quốc phòng của đất nước. Đặc biệt, Thủ tướng đã trả lời xác đáng, đầy đủ nội dung mà đại biểu chất vấn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu Chính phủ.

Cử tri phấn khởi trước sự tăng tưởng kinh tế của đất nước, chỉ số năng lực canh tranh và chỉ số phát triển con người được cải thiện nhanh, tuổi thọ trung bình người Việt Nam tăng cao so với các nước khu vực Châu Á, công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo... đạt nhiều kết quả tốt.

Thủ tướng cũng nêu ra các giải pháp thiết thực, thuyết phục để tiếp tục chỉ đạo, điều hành phát triển đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều cử tri Cà Mau mong muốn là Thủ tướng tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững, xây dựng Chính phủ kiến tạo ''nói đi đôi với làm''.
Ông Vưu Văn Út, nguyên Giám đốc Công ty Mía đường Cà Mau thuộc Công ty Mía đường Tây Nam cũng bày tỏ: Nhìn chung, từng câu hỏi chất vấn Thủ tướng đã được các đại biểu Quốc hội chuẩn bị trước rất kỹ lưỡng, nội dung bao quát và liên quan đến nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng; có đại biểu đặt ra những câu hỏi ''hóc búa'' nhưng Thủ tướng cũng trả lời rất thẳng thắn, rõ ràng nên tạo được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội và cử tri trên cả nước.

Thủ trướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập một chính phủ liêm chính, kiến tạo, giải quyết những điểm nghẽn của đời sống, xã hội.
Qua theo dõi phiên họp, tôi rất vui mừng trước kết quả đạt được mà Thủ tướng trực tiếp điều hành, thực hiện hoàn thành 13/13 chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế -xã hội mà Quốc hội giao cho. Cử tri Cà Mau đặt niềm tin đối với những giải pháp thiết thực, cũng như quyết sách đúng đắn của Chính phủ để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển đất nước trong thời gian tới.

Trong đó, phải kể đến những chủ trương, định hướng lâu dài của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách phù hợp. Chính phủ đã có chương trình hành động thiết thực để khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia cổ phần nhà nước, chuyển hộ cá thể lên doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ và vừa... Đây là một trong những bước tiến mới trong điều hành phát triển đất nước, tăng trưởng kinh tế bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục