Toan tính của Trung Quốc sau những tuyên bố áp thuế mới từ Mỹ

06:30' - 21/07/2018
BNEWS Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chính thức bùng nổ chưa được một tuần, Washington lại tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngoài tuyên bố “cảm thấy chấn động”, Bắc Kinh chưa đưa ra được biện pháp trả đũa tức thời nào và dường như vẫn còn đang trù tính cách thức trả đũa.
Theo tờ Tin tức thế giới, vào ngày 10/7 vừa qua, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ công bố danh sách khối hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế trừng phạt 10%. Bản danh sách này gồm không ít các mặt hàng tiêu dùng như ti vi, tủ lạnh… và dự kiến bắt đầu thực thi từ ngày 30/8 tới.

Các biện pháp thuế quan mới này khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể thực hiện được cam kết đưa ra trước đây rằng không để chiến tranh thương mại gây tổn hại cho người tiêu dùng. 
Đặc biệt, ngày 30/8, bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ bước vào thời kỳ chạy đua nóng bỏng và việc giá nhiều mặt hàng tăng lên trước bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể sẽ dẫn tới mâu thuẫn giữa Donald Trump và đảng Cộng hòa.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tuy không phải đối mặt với áp lực bầu cử, nhưng theo tờ báo trên, một số học giả và quan chức chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nghi ngờ.
Nếu tăng trưởng giảm, liệu kinh tế nước này có thể chống đỡ nổi các đòn tấn công liên tục từ phía Mỹ hay không. Lý do là bởi cho tới nay, chiến tranh thương mại dường như đã không có đường lùi, bước tiếp theo có thể không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực thương mại mà quan hệ Trung-Mỹ cũng bắt đầu bước vào thời kỳ đóng băng.
Liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, báo Kinh tế ngày 12/7 cho biết vào tuần trước, chỉ 1 phút sau khi quyết định áp thuế trừng phạt 25% đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực, Bắc Kinh đã đưa ra biện pháp trả đũa đối đẳng cả về quy mô lẫn mức thuế. Nhưng lần này, khi Mỹ công bố danh sách áp thuế trừng phạt với lượng hàng hóa nhập khẩu khác từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, Bắc Kinh lại chưa đưa ra biện pháp trả đũa.
Thứ nhất là do Trung Quốc không có đủ quân bài đối đẳng về kim ngạch hàng hóa. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Mỹ, năm 2017, Mỹ nhập khẩu số hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 505,5 tỷ USD, nhưng Trung Quốc chỉ nhập khẩu 129,9 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Mỹ.
Do vậy, Bắc Kinh về căn bản không thể đáp trả Washington một cách đối đẳng như từng tuyên bố. Thứ hai, Bắc Kinh có thể đã trù tính một loạt biện pháp phi thuế quan có sức nặng để trả đũa Washington như hạn chế hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, kéo dài trình tự thông quan, kiểm dịch đối với một số hàng hóa nhập khẩu dễ hư hỏng từ Mỹ, hạn chế người Trung Quốc sang Mỹ du lịch… 
Theo báo trên, việc Trung Quốc do dự không đưa ra biện pháp trả đũa ngay vì Bắc Kinh biết rõ tính cách của Donald Trump. Nếu Bắc Kinh ra đòn trả đũa nhanh chóng có thể sẽ kích thích ông Trump gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, thậm chí sẽ đưa ra các biện pháp có sức nặng, khiến chiến tranh thương mại nhanh chóng lây lan sang các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ.
Tuy sách lược của Bắc Kinh là lấy chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh, nhưng trên thực tế, vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt là trong chiến tranh thương mại với Mỹ, Bắc Kinh ở thế yếu hơn. Sự kiện tập đoàn ZTE (Trung Hưng) bị phía Mỹ trừng phạt (sản xuất lập tức đình trệ vì lệ thuộc vào công nghệ cốt lõi của Mỹ) đã phản ánh một cách đầy đủ rằng thực lực của Trung Quốc không mạnh như biểu hiện của tổng lượng kinh tế. Đó là chưa nói tới việc vị thế đồng Nhân dân tệ (NDT) còn cách một khoảng rất lớn so với đồng USD.
Nếu cứ trả đũa một cách thiếu thận trọng, chiến tranh thương mại sẽ mở rộng và càng khiến Trung Quốc phơi bày thêm nhiều điểm yếu, các lĩnh vực như kinh tế, việc làm và dân sinh sẽ phải chịu đòn giáng nặng nề hơn, cuối cùng sẽ trở thành "tự lấy đá đập chân mình".
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với bong bóng bất động sản và quả bom nợ doanh nghiệp trong khi việc xử lý vấn đề đòn bẩy tài chính vẫn chưa xong. Nếu chiến tranh thương mại với Mỹ làm bộc phát các mâu thuẫn trong lòng Trung Quốc, dù Bắc Kinh có năng lực xử lý, nhưng e rằng cái giá phải trả sẽ rất đắt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục