Tổng Bí thư: Thế mạnh của Gia Lai là phát triển nông, lâm nghiệp trình độ cao

13:52' - 13/04/2017
BNEWS Tổng Bí thư nhấn mạnh vẫn phải xác định thế mạnh của Gia Lai là phát triển nông lâm nghiệp trình độ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, theo hướng sản xuất lớn, liên kết 4 nhà...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cán bộ chủ chốt tỉnh Gia Lai. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Trong 2 ngày 12-13/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm, làm việc tại tỉnh Gia Lai, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.
Sáng 13/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang nghĩa, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; cùng đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
* Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Gia Lai đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2016, tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 7,48%, thu nhập bình quân đầu người trên 38 triệu đồng/năm.
Tính đến ngày 31/3/2017, toàn tỉnh đã gieo trồng đượ 65.172 ha cây trồng các loại, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015. Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng đều đạt và vượt kế hoạch, đến cuối năm 2016 tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,2%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đến nay toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn trong tổng số 184 xã thực hiện chương trình; 22 xã và thành phố Pleiku đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2017.
Tổng thu ngân sách năm 2016 đạt hơn 3.700 tỷ đồng, bằng 109% mục tiêu Nghị quyết đề ra; quí I/2017 đạt 1.163 tỷ đồng, bằng 32% mục tiêu Nghị quyết, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, với tỷ lệ 7,18 bác sỹ/vạn dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,3% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,18%, đến cuối năm 2016 còn 16,55% theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Các cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; ngăn chặn các hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tình trạng khai thác, vận chuyển lâm khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Gia Lai tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại, tăng cường quan hệ giao lưu, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch với các tỉnh Rattanakiri, Preah Vihear và Stung Treng của Campuchia và các tỉnh Champasak, Attapư của nước bạn Lào.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng triển khai đồng bộ cả trên phương diện phòng ngừa và đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Toàn Đảng bộ tỉnh có 22 đảng bộ trực thuộc, với 1.013 tổ chức cơ sở đảng và 52.055 đảng viên. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên được quan tâm gắn với thực hiện tốt việc xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy. Tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm đều tăng, năm 2016 đã kết nạp 2.795 đảng viên, quí I/2017 kết nạp 348 đảng viên. Đảng bộ Gia Lai đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, những thành tựu đạt được chưa tương ứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Gia Lai hiện vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, môi trường đầu tư chưa tốt, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, không được lơ là, chủ quan.
* Xác định thế mạnh nông lâm nghiệp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích những thuận lợi cơ bản, cũng như khó khăn, thách thức lớn đặt ra đối với Gia Lai; đánh giá những kết quả nổi bật của Gia Lai sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; bàn biện pháp, hướng đi để Gia Lai phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tổng Bí thư chỉ rõ những thuận lợi cơ bản và cũng là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai, cả cho trước mắt và lâu dài. Với diện tích tự nhiên hơn 15.500 km2, rộng thứ 2 cả nước và rộng nhất khu vực Tây Nguyên; dân số hơn 1,4 triệu người gồm 34 dân tộc anh em; Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng (đất đỏ bazan) thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu); có nhiều quặng khoáng sản quí, có tiềm năng phát triển thủy lợi, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường; là địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Campuchia - Lào.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ với khó khăn, thách thức của tỉnh, đó là điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, tập quán sản xuất, canh tác còn lạc hậu, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực có hạn. Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự xã hội.
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư mong muốn Gia Lai huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để vươn lên phát triển mạnh mẽ, quyết liệt hơn, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình của cả nước. Gia Lai cần tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác, xây dựng ý chí vươn lên mạnh mẽ không cam chịu đói nghèo, yếu kém so với các tỉnh khác và so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nhất trí với phương hướng nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đồng thời Tổng Bí thư nhấn mạnh: Vẫn phải xác định thế mạnh của Gia Lai là phát triển nông lâm nghiệp trình độ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến, theo hướng sản xuất lớn, liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), tập trung xây dựng nông thôn mới, chú trọng bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, Gia Lai cũng cần chú ý phát triển công nghiệp, du lịch; quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi những tập quán, tập tục lạc hậu; đồng thời phải tổ chức, bố trí sắp xếp lại dân cư.
Tổng Bí thư nhắc nhở, Gia Lai phải quan tâm giải quyết thấu đáo vấn đề đất đai, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Đặc biệt, Gia Lai phải thường xuyên chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó “then chốt” của “then chốt” là công tác cán bộ; phải ngăn chặn, đẩy lùi cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm tốt công tác kiểm điểm phê bình và tự phê bình, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.
Tổng Bí thư ghi nhận những kiến nghị chính đáng, xuất phát từ thực tiễn của Gia Lai; đồng thời đề nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng vào cuộc, tìm cách giải quyết, trong đó có việc giải quyết được ngay, có việc phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, tìm giải pháp tháo gỡ.

Riêng dự án thủy lợi Ayun ở huyện Chư Sê, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, địa phương cần hết sức nỗ lực để đến cuối nhiệm kỳ này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đã đến dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; thắp hương tại nơi thờ Bác Hồ tại Quảng trường Đại đoàn kết, ở trung tâm thành phố Plâyku, tỉnh Gia Lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục