Tổng Giám đốc FDC: Đóng góp của khu vực vùng sâu vùng xa ngày càng tăng

20:35' - 21/10/2017
BNEWS Trả lời báo chí, bà Michelle T. Curry, Tổng Giám đốc Quỹ Hợp tác Phát triển (FDC) của Australia, đã có một số nhận định về tiềm năng đóng góp của lĩnh vực tư nhân đối với nền kinh tế nói chung.
Bà Michelle T. Curry, Tổng Giám đốc Quỹ Hợp tác Phát triển (FDC) của Australia trả lời phóng viên. Ảnh Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 (FMM-24) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng chủ trì và các Hội nghị bên lề diễn ra từ ngày 19 - 21/10 tại Hội An đã kết thúc tốt đẹp.

Tại đây, các Bộ trưởng đã có phiên thảo luận quan trọng về tình hình kinh tế tài chính vĩ mô quốc tế và khu vực. Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Michelle T. Curry, Tổng Giám đốc Quỹ Hợp tác Phát triển (FDC) của Australia, đã có một số nhận định về tiềm năng đóng góp của lĩnh vực tư nhân đối với nền kinh tế nói chung.
Phóng viên: Bà hãy đánh giá về cách thức mà khu vực tư nhân có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương ?
Bà Michelle T. Curry: Tôi nghĩ rằng nền tảng của hợp tác trong lĩnh vực tài chính bao trùm nằm trong khuôn khổ hợp tác của Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và sự hình thành của các khuyến nghị khác thông qua các dự thảo mà chúng tôi đã thảo luận trong suốt những năm qua.
Điều cốt lõi của những khuyến nghị này chính là sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa những ngành công nghiệp ví dụ như các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ như Fintech và các cơ quan quản lý để tận dụng những cơ hội mà sự sáng tạo cũng như tính chất tài chính bao trùm mà Fintech mang lại.
Phóng viên: Làm thế nào để khu vực tư nhân có thể đóng góp vào việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn ?
Bà Michelle T. Curry: Tôi nghĩ là có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Ví dụ như tăng cường kết nối, nhận thức cũng như sự hiểu biết về những cơ hội được mở ra, đưa vấn đề ra bàn thảo trong khuôn khổ sáng kiến giải pháp đổi mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng, các bên phối hợp chặt chẽ với nhau và cả với những nhà hoạch định chính sách liên quan đến các vấn đề về môi trường.
Tôi cho rằng đóng góp của khu vực vùng sâu vùng xa đang ngày càng tăng vì nhiều lý do liên quan đến kinh tế vĩ mô. Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển bền vững của lĩnh vực nông nghiệp, chất lượng của vụ mùa được nâng cao, cơ hội tiếp cận đối với công nghệ ngày càng nhiều, đi kèm với các lợi ích của yếu tố dịch vụ tài chính. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho tất cả mọi người.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục