Tổng Giám đốc IMF: Kinh tế Trung Quốc sẽ không “hạ cánh cứng”

06:50' - 25/01/2016
BNEWS Đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, tuy đang khiến các thị trường tài chính toàn cầu “chao đảo” song là “rất bình thường”
Tổng Giám đốc Lagarde cho rằng, con đường phía trước đối với kinh tế thế giới sẽ có nhiều chông gai hơn. Ảnh:TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, tuy đang khiến các thị trường tài chính toàn cầu “chao đảo” song là “rất bình thường”. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo này cũng thừa nhận con đường phía trước đối với kinh tế thế giới sẽ có nhiều chông gai hơn.

Theo Tổng Giám đốc Lagarde, sự chuyển mình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ mô hình phát triển dựa vào đầu tư nhà nước sang nhu cầu tiêu dùng sẽ không gây ra hiện tượng “hạ cánh cứng”.

Thay vào đó, đây là một sự chuyển đổi lớn, đưa nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn “gập ghềnh” hơn, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 chỉ ở mức 6,9%, mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng 25 năm qua.

Người đứng đầu IMF cho rằng đây là cách rất bình thường để một nền kinh tế chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững và chất lượng hơn và thế giới cần làm quen với điều đó.

Bên cạnh đó, bà Lagarde cũng cho rằng các thị trường tài chính trên toàn cầu cần một sự rõ ràng hơn về cách thức mà giới chức Trung Quốc đang quản lý đồng NDT, đặc biệt là mối quan hệ giữa đồng NDT và đồng USD, trong bối cảnh những diễn biến lên thất thường của đồng nội tệ Trung Quốc, đi kèm với đà lao dốc mạnh mẽ của giá dầu, đã gây ra nhiều biến động thị trường trong những ngày đầu năm 2016.

Liên quan đến vấn đề này, tại diễn đàn WEF, Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cũng cho rằng Bắc Kinh cần làm nhiều hơn nữa để kiềm chế hiện tượng mất giá của đồng NDT và bày tỏ quan ngại rằng nếu đồng tiền này tiếp tục đi xuống thì hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ “nhấn chìm” nền kinh tế toàn cầu.

Một trong những biện pháp mà nhà lãnh đạo này đưa ra là kiểm soát vốn và duy trì các chính sách tiền tệ trong nước một cách nhất quán và phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục