Tổng thống Pháp đẩy mạnh chiến dịch chấn hưng nền kinh tế

11:02' - 23/01/2018
BNEWS Ngày 22/1, chiến dịch "Chấn hưng nước Pháp" của Tổng thống Macron bắt đầu được đẩy mạnh khi ông Macron đón tiếp 140 lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia tại Paris trước khi lên đường tham dự WEF.

Ngày 22/1, chiến dịch "Chấn hưng nước Pháp" của Tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu được đẩy mạnh khi vị tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp đón tiếp 140 lãnh đạo doanh nghiệp đa quốc gia tại thủ đô Paris trước khi lên đường tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos.

Theo kế hoạch, Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu trong bữa tiệc tối với các nhà điều hành doanh nghiệp, trong đó có lãnh đạo của các "ông lớn" như Toyota, Coca-Cola, Google và Facebook, tại cung điện Versailles gần thủ đô Paris. Một số doanh nghiệp đã tận dụng sự kiện này để công bố các khoản đầu tư lớn vào Pháp.

Theo đó, trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook thông báo sẽ chi 10 triệu euro (12,2 triệu USD) cho việc phát triển trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của hãng tại Paris. Không chịu kém cạnh, "gã khổng lồ" Google cũng tuyên bố sẽ mở một trung tâm nghiên cứu AI tại thủ đô của Pháp, sau các trung tâm tương tự ở Mỹ và Thụy Sĩ.

Bản thân ông Macron cũng đã đích thân đến nhà máy sản xuất ô tô của Toyota ở Onnaing, miền Bắc nước Pháp, để tham dự sự kiện công ty Nhật Bản công bố khoản đầu tư mới trị giá 300 triệu euro (hơn 360 triệu USD) tại nhà máy này, qua đó tạo thêm 700 việc làm tại đây.

Trong những tháng đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Macron đã chủ trương thúc đẩy các cải cách đối với bộ luật lao động, chủ trương đánh thuế trên thặng dư vốn và cam kết cắt giảm thuế cho doanh nghiệp từ 33% xuống còn 25% trước năm 2022. Tăng trưởng kinh tế Pháp được dự báo sẽ tăng 1,9% trong năm nay.

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ và công ty tư vấn Bain & Company thực hiện hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy có tới 72% nhà đầu tư Mỹ lạc quan về nền kinh tế Pháp, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016.

Tuy nhiên, hiện một số lãnh đạo doanh nghiệp vẫn giữ thái độ lạc quan thận trọng, cho rằng những thách thức lớn hơn của việc cắt giảm nợ và chi tiêu công của Pháp cùng với việc thúc đẩy giảm thuế cho các doanh nghiệp vẫn còn ở phía trước.

Một số người cho biết sẽ chờ đợi xem những tín hiệu tích cực và rõ ràng trong công cuộc cải cách của Chính phủ Pháp. Trong khi đó, mặc dù thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2017 được dự báo sẽ giảm xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), song giới chuyên gia đánh giá Pháp vẫn là một trong những quốc gia có tình trạng tài chính tệ nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cuộc họp tại cung điện Versailles diễn ra một ngày trước khi các lãnh đạo đến từ 60 quốc gia trên thế giới và 1.700 doanh nghiệp tụ họp tại khu nghỉ dưỡng Davos ở Thụy Sĩ để tham dự WEF 2018. Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt”, Diễn đàn Davos 2018 năm nay tập trung vào thúc đẩy sự chia sẻ và hợp tác của cộng đồng quốc tế để đối phó với những thách thức toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục