Tổng thống Pháp E. Macron và kế hoạch hiện đại hóa quản lý hành chính công

06:30' - 13/06/2017
BNEWS Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang xem xét việc cắt giảm biên chế trong các cơ quan hành chính nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức trong bộ máy công quyền.
Tổng thống Pháp Emmanuen Macron tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Taormina trên đảo Sicily (Italy). Ảnh: AFP/ TTXVN

Mặc dù luôn khẳng định vị trí trung tâm của dịch vụ công trong xã hội, song Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn đang xem xét việc cắt giảm biên chế trong các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức, phân cấp quản lý và tạo sự dịch chuyển dễ dàng các vị trí trong bộ máy công quyền.

Theo bài viết đăng trên Slate.fr, đối với Tổng thống Macron, 5,64 triệu công chức và nhân viên trong bộ máy hành chính công là con số cần phải được tinh giản. Nội dung này đã được đưa vào chương trình tranh cử của ông.

Tuy nhiên, trong ba khu vực công gồm các cơ quan Nhà nước/cấp trung ương (chiếm 44% số công chức), các cơ quan địa phương (35%), các bác sĩ và nhân viên trong bệnh viện (21%) sẽ được xem xét tinh giản theo mức độ khác nhau.

Ngược lại, trong một số lĩnh vực và nhiều vị trí sẽ được tạo mới. Cụ thể, lực lượng an ninh sẽ tăng thêm 10.000 người gồm hiến binh và cảnh sát để đối phó với các mối đe dọa khủng bố; Đội ngũ giáo viên cấp tiểu học cũng sẽ được tăng thêm 12.000 vị trí nhằm đáp ứng các ưu tiên trong quá trình giảng dạy trong những năm học đầu tiên.

Đối với các bệnh viện vốn đang trong tình trạng quá tải do sự gia tăng của người già, cũng sẽ không có chuyện giảm bớt nhân viên. Mặc dù vậy, yêu cầu tiết kiệm ngân sách luôn nằm trong chương trình nghị sự và tân Tổng thống vẫn đang xem xét cắt giảm biên chế không phải chỉ nhằm thay thế những người đến tuổi nghỉ hưu.

Thực vậy, trong số 500.000 người sẽ nghỉ hưu trong 5 năm tới, khoảng 120.000 vị trí sẽ không có người thay thế, có nghĩa là cứ 5 người nghỉ hưu thì sẽ chỉ có 4 người được tuyển dụng.

Mục tiêu này không cực đoan như chương trình của ứng cử viên cánh hữu François Fillon (người chủ trương cắt giảm 500.000 vị trí), và được cho là có tính khả thi cao hơn. Tuy nhiên, nó vẫn là con số cắt giảm cao nhất so với các ứng cử viên cánh tả.

Làm thế nào để triển khai việc cắt giảm này? Trong chương trình tranh cử, ông Macron đề xuất thực hiện chương trình "đổi mới bộ máy Nhà nước" trong đó sẽ "ưu tiên cho những công việc cọ xát với thực tế", phát huy "các sáng kiến và khả năng sáng tạo".

Về điểm này, chương trình của ông Macron không có gì mới so với các chương trình đã được các đời Tổng thống trước đưa ra. Những người tiền nhiệm của ông Macron cũng đều muốn cải cách sâu rộng nền hành chính công, giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy vốn chiếm khoảng 40% chi tiêu nhà nước (theo báo cáo của Viện Thẩm kế vào tháng 9/2015).

Tuy nhiên, thành công của một chương trình phụ thuộc vào phương pháp tiến hành đối với Tổng thống Macron và ông lựa chọn phương pháp tự chủ. Tại một cuộc vận động cử tri ở Paris, ứng cử viên Macron đã nhấn mạnh đến "quyền tự chủ thực sự" đối với các trường đại học, các cơ sở giảng dạy và giáo dục", các bệnh viện và cơ quan y tế địa phương, nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm và khả năng đổi mới.

Sự tự chủ trong các trường đại học được quyết định vào năm 2007 đã gây tốn nhiều giấy mực vào thời điểm quyết định được ban hành. Quyết định này bị chỉ trích chính là vi phạm nguyên tắc thống nhất của các dịch vụ công bởi vì sự tự chủ đã dẫn đến sự cạnh tranh giữa các trường đại học.

Có thể thấy, các cơ quan dịch vụ công "kiểu Pháp", đôi khi trở nên lỗi thời trong một nền kinh tế đã phá bỏ mọi quy định lại tìm thấy tính hợp pháp của mình, vừa để chống lại chủ nghĩa tự do thái quá, vừa để khẳng định sự bình đẳng của công dân trong việc tiếp cận các dịch vụ chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và pháp lý.

Tổng thống Pháp Macron lên kế hoạch hiện đại hóa quản lý hành chính công. Ảnh minh họa: Reuters

Mặc dù vậy, Tổng thống Macron tỏ ra tin tưởng vào việc đẩy mạnh sự "tự chủ" này, đi cùng với nó là triển khai sự phân quyền xuống các cấp địa phương. Sự tự chủ mới sẽ được đặc biệt mở rộng trong khu vực bệnh viện nhằm giúp các cơ sở y tế trở nên linh hoạt hơn và hiệu quả hơn.

Một hướng cải cách khác được Tổng thống Macron đề xuất là áp dụng kỹ thuật số trong dịch vụ công, với mục tiêu 100% các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Internet vào năm 2022 (trừ việc cấp phát lần đầu các giấy tờ tùy thân chính thức).

Dự án này nhằm thúc đẩy chính phủ điện tử có tác dụng kép về phương diện xã hội và công nghệ trên cơ sở phi vật chất hóa các văn bản và giúp người dân làm quen với công nghệ mới.

Cách tiếp cận này không phải là mới. Nếu nước Pháp bước vào thế kỷ XXI với một sự chậm trễ nhất định trong lĩnh vực này so với các nước khác, thì bù lại nó đã tiến bộ rất nhanh. Theo một bảng xếp hạng được Liên hợp quốc công bố mới đây, Pháp hiện đứng thứ 4 trên thế giới trong bảng xếp hạng hành chính điện tử và đứng đầu các nước châu Âu trong lĩnh vực này.

Tổng thống Macron chủ trương kiên trì hướng đi đã được khai thông bởi hai người tiền nhiệm của ông. Quá trình hiện đại hóa quản lý hành chính công cần một khoản đầu tư 5 tỷ USD cho 5 năm, sẽ kéo theo việc bố trí lại nhân sự vốn đang đảm nhiệm những công việc hành chính này.

Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số cũng sẽ là câu trả lời cho sự ùn ứ hồ sơ tại các cơ quan pháp lý, cho phép "phi vật chất hóa" tất cả các thủ tục liên quan đến các vụ tranh chấp nhỏ (có số tiền tranh chấp dưới 4.000 euro) và việc phân bổ lại nhân viên để đảm nhiệm các hồ sơ quan trọng. Sự sắp xếp đó sẽ thúc đẩy công việc mà không cần tuyển dụng thêm.

Mặc dù tái khẳng định việc duy trì tư cách công chức nhà nước, Tổng thống Macron thể hiện quyết tâm đổi mới nền hành chính công bằng việc loại bỏ các ràng buộc mang tính luật định.

Linh hoạt, phá vỡ các vách ngăn, tạo sự dịch chuyển, tăng khả năng năng sáng tạo và sự chủ động là những thuật ngữ đã được Tổng thống Macron sử dụng để nói về kế hoạch hiện đại hóa bộ máy hành chính công của mình.

Với cách tư duy này, theo ông, chính cá nhân sẽ là người quyết định sự nghiệp cũng như mức thu nhập của mình, hay nói cách khác là trong khu vực công sẽ tăng việc tuyển dụng theo hợp đồng bên cạnh một bộ phận trong biên chế.

Việc điều động bên trong một cơ quan hành chính công hay việc được bố trí vào khu vực công sẽ dẫn đến việc dịch chuyển một cách dễ dàng giữa hai khu vực công-tư, đặc biệt với những người làm việc theo hợp đồng, luật lao động chung sẽ là cơ sở để đảm bảo quyền lợi của họ.

Theo tinh thần đó, Tổng thống Macron nhấn mạnh vào sự chuyển biến về văn hóa hành chính công, một nền văn hóa dựa trên kết quả chứ không phải là dựa trên phương tiện. Quá trình đổi mới này đã được tiến hành từ 10 năm với việc Luật Tài chính có hiệu lực vào năm 2006.

Dựa trên khung cơ bản của bộ luật này và cách tiếp cận dựa trên kết quả công việc, tân Tổng thống muốn đẩy nhanh quá trình đơn giản hóa và phân cấp quản lý, thiết lập một phương pháp ngân sách và đưa ra khái niệm về hiệu suất của bộ máy công quyền.

Quan điểm này cũng sẽ khiến các công chức phải đối mặt với một cuộc cách mạng về văn hóa trong các cơ quan quản lý nhà nước.

>>> Lòng tin tiêu dùng tại Pháp vọt lên mức cao nhất gần 10 năm qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục