TP.HCM tạo không gian khởi nghiệp, thúc đẩy 4 ngành công nghiệp trọng yếu phát triển

19:05' - 19/07/2017
BNEWS Chiều 19/7, Ban kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát tình hình phát triển 4 ngành kinh tế trọng điểm trên địa bàn thành phố.
4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM chưa phát triển xứng với tiềm năng. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu nhận định 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Phân tích cụ thể, ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng, trong 4 năm qua, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong 4 ngành này rất thấp cho thấy môi trường điều kiện phát triển 4 ngành còn hạn chế; đồng thời doanh nghiệp còn nhiều trăn trở, lo lắng về môi trường sản xuất kinh doanh.

Tp. Hồ Chí Minh đã xác định chương trình hành động cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhưng quan tâm đầu tư cho 4 ngành chưa tương xứng, các sở ngành chưa phối hợp tốt trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Cao Thanh Bình, tiến độ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai, vốn, hạ tầng xã hội theo kiến nghị của doanh nghiệp còn rất chậm, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa di dời theo quy hoạch của Tp. Hồ Chí Minh cũng triển khai chậm. Một số quận huyện có vài trăm doanh nghiệp thuộc diện phải di dời nhưng chậm hỗ trợ, doanh nghiệp loay hoay vì đầu tư mở rộng không xong mà di dời thì cũng không có chỗ để đi.

Tại cuộc họp, đại diện Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp Thành phố (Hepza) cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần quyết liệt tháo gỡ những vấn đề liên quan đến mặt bằng, đất đai để thu hút đầu tư. Trong đó, các thay đổi về quản lý đất Khu công nghiệp tại Luật đất đai có thay đổi theo hướng bất lợi cho nhà đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp nên thời gian hoàn tất các thủ tục pháp lý về đất kéo dài, ảnh hưởng lớn đến quá trình thu hút đầu tư.

Ngoài ra, giá cho thuê đất tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp tại thành phố luôn cao hơn các địa phương lân cận, dẫn đến các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đến các tỉnh, thành phố khác, nhất là những nhà đầu tư cần quỹ đất lớn.

Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2017, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,51% so với cùng kỳ năm 2016 (chỉ số năm trước tăng 6,8%).

Với 4 ngành công nghiệp trọng yếu là ngành cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hoá chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin, luỹ kế 6 tháng tăng 10,23% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành và đóng góp 4,56 điểm phần trăm trong mức tăng 7,51% của chỉ số sản xuất công nghiệp.

Để có thể tăng khả năng thu hút đầu tư cho thành phố, các đơn vị kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận - huyện đẩy nhanh công tác bồi tường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để phát triển công nghiệp. Trước mắt, UBND quận huyện Bình Tân, Bình Chánh và Hóc Môn để giải quyết dứt điểm tình trạng dân cư sống xen cài trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung, Cơ khí ô tô và Đông Nam.

Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, Sở đang đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cụ thể, tạo không gian khởi nghiệp cho doanh nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ cung cấp miễn phí phần mềm quản lý, các tiện ích mạng internet…; tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại thành phố, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất phụ trợ và các tập đoàn đa quốc gia…/.

>> Được miễn tiền thuê đất 7 năm nếu đầu tư sản xuất trong cụm công nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục