Tp. Hồ Chí Minh: Nguy cơ sạt lở cao khi mùa mưa bắt đầu

15:11' - 26/07/2017
BNEWS Việc lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, khai thác cát trái phép đang khiến cho nguy cơ sạt lở tại Tp. Hồ Chí Minh trở nên phức tạp hơn, nhất là khi mùa mưa bắt đầu.
Nhà ở của các hộ gia đình sống ven sông, kênh thuộc huyện Nhà Bè bị sạt lở. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Hiện thành phố có gần 1.000 km sông rạch có chức năng giao thông thủy, trong đó có khoảng 800 km là tuyến đường thủy nội địa. Do tốc độ đô thị hoá nhanh nên xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh rạch, gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố vẫn còn 120 vụ lấn chiếm bờ sông, kênh rạch chưa được xử lý dứt điểm.

Gần đây trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra 4 sạt lở nghiêm trọng, như vụ sạt lở ngày 31/5 cạnh Rạch Tôm tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, vụ sạt lở 27/6 tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, vụ sạt lở kéo dài từ vị trí số 277-289, đường Bến Bình Đông, quận 8… cuốn trôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 1/7/2017 trên địa bàn thành phố tồn tại 40 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch; trong đó, đang thi công 11 dự án kè bờ tại 11 vị trí, chuẩn bị thực hiện 21 dự án tại 23 vị trí. Hiện UBND thành phố đã chấp thuận triển khai 4 dự án tại 4 vị trí, còn 2 vị trí chưa bố trí được dự án.

“Trong năm 2017, dự kiến sẽ hoàn thành 4 dự án tại 4 vị trí, năm 2018 hoàn thành 7 dự án tại 7 vị trí, các vị trí còn lại dự kiến hoàn thành việc xây dựng bờ kè trong giai đoạn 2019 – 2020 với mục tiêu cao nhất là đảm báo tính mạng và tài sản của nhân dân”, ông Bùi Xuân Cường cho hay.

Trước diễn biễn phức tạp về sạt lở bờ sông, kênh rạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND các quận huyện phân loại mức độ sạt lở. Đồng thơi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển; kiểm tra các tuyến kè để kịp thời phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng.

Bên cạnh đó, tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở, thả phao phân luồng đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông thủy đi qua khu vực bị sạt lở; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh các thiệt hại có thể xảy ra.

UBND thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tham mưu các biện pháp công trình và phi công trình để phòng chống nguy cơ sạt lở đất bờ sông, bờ biển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020.

Sở Xây dựng giải quyết quỹ nhà bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời, kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch.

Đối với các địa bàn có nhiều điểm nguy cơ sạt ở cao như quận 2, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, UBND thành phố yêu cầu chính quyền địa phương kiên quyết không để người dân quay lại khu vực sạt lở để di dời tài sản hoặc ở lại các căn nhà có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Ngoài ra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đúng tiến độ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở bờ sông, nạo vét tiêu thoát nước còn tồn đọng…

Mới đây, trong buổi khảo sát hiện trường về tình hình sạt lở sông, kênh rạch trên địa bàn huyện Nhà Bè (có tới 16 điểm sạt lở), Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đã đề nghị UBND huyện Nhà Bè di dời khẩn cấp các hộ dân sinh sống trong khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đồng thời đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án xây dựng kè chống sạt lở, sớm bàn giao cho chủ đầu tư triển khai thi công.

Cùng với đó, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Khu Quản lý Đường thủy nội địa (đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải) đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống sạt lở bờ sông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông thuỷ, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, các bến thủy hoạt động trái phép, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục