Tp.Hồ Chí Minh: Trẻ mắc bệnh gia tăng do thời tiết nắng nóng

18:49' - 24/03/2017
BNEWS Mặc dù chưa bước vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa nắng nóng nhưng tại TPHCM những ngày qua, số lượng trẻ em đến khám bệnh và nhập viện do các bệnh mùa nắng nóng bắt đầu gia tăng.
Bệnh nhi chờ được khám bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Đang chờ đến lượt khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, chị Đỗ Thị Doan, ngụ tại tỉnh Bình Dương cho biết: Hơn 1 tuần nay, con gái chị sốt đi sốt lại nhiều lần kèm sổ mũi.

Chị đã đưa con đi khám ở Bình Dương. Bác sỹ nói cháu chỉ bị viêm mũi họng nhưng uống thuốc vẫn không hết bệnh. Lo cháu bị sốt siêu vi hay sốt xuất huyết, chị đưa lên khám lại cho yên tâm.
Theo bác sỹ chuyên khoa 2 Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 4.500-5.000 bệnh nhi. Trong số đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10% mắc các bệnh lý về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay chân miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu.

“Đỉnh điểm của mùa nắng nóng thường rơi vào tháng 4, tháng 5 khi nhiệt độ bên ngoài lên đến 38-39 độ C. Mặc dù hiện chưa phải thời điểm nóng nhất nhưng mô hình bệnh tật đã có sự thay đổi, phụ huynh cần hết sức đề phòng”, bác sỹ Hoàng cảnh báo.

Đang chờ nhận phòng bệnh tại Khoa Tiêu hóa, chị Bùi Hoàng Anh Thư, ngụ huyện Hóc Môn cho hay, ba ngày trước, con trai chị có dấu hiệu nôn ói, đi ngoài và sốt cao. Sau khi thăm khám, các bác sỹ cho biết con chị mắc tiêu chảy cấp, cần nhập viện điều trị.

Hiện Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho hơn 170 bệnh nhi, trong đó đa số là mắc tiêu chảy cấp. Số trẻ nhập viện tăng liên tục trong những ngày qua khiến khoa trở nên quá tải. Khoa Nhiễm đang điều trị cho 130 bệnh nhi, trong đó có 30 ca bệnh tay chân miệng, 10 ca bệnh thủy đậu….

Những ngày qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng có tới gần 7.000 lượt bệnh nhi đến khám mỗi ngày, trong đó nhiều nhất vẫn là các bệnh lý về đường hô hấp và tiêu hóa.

Các bác sỹ khuyến cáo, trong mùa nắng nóng, phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ nhỏ, vệ sinh môi trường xung quanh, không cho trẻ ra nắng nhiều, đặc biệt luôn rửa sạch tay trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.

Phụ huynh c hú ý bảo quản thực phẩm của trẻ an toàn, không để vi khuẩn xâm nhập dễ gây ra các bệnh tiêu hóa.

Ngoài ra, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm khi có dấu hiệu mắc bệnh nhằm tránh nguy cơ xảy ra biến chứng, không kịp trở tay. Với một số bệnh có vắc - xin như thủy đậu, phế cầu, Rota vi rút..., các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục