TPHCM không ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều lao động

19:42' - 19/01/2016
BNEWS Các khu chế xuất và khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh sẽ không ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động mà đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
TP. Hồ Chí Minh sẽ không ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều lao động. Ảnh: Quách Lắm-TTXVN

Trong thời gian tới, các Khu chế xuất và khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh sẽ không ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động mà đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghệ cao.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp thông tin tình hình hoạt động năm 2015 và chương trình công tác năm 2016 do Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (Hepza) tổ chức ngày 19/1. 
Theo ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư - Hepza, khi Việt Nam tham vào Hiệp định TPP, đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày dự báo sẽ tăng, tuy nhiên hiện tại thành phố rất khó tuyển dụng lao động, đặc biệt các ngành thâm dụng lao động như dệt may. Do vậy định hướng thời gian tới, Khu chế xuất và công nghiệp thành phố sẽ không thu hút đầu tư nhiều vào các ngành này, mà đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm điện tử - tin học, cơ khí, hóa chất và chế biến lương thực thực phẩm và các ngành công nghệ cao. Chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trong năm 2016 là 700 triệu USD (giảm gần 140 triệu USD so với kết quả đạt được trong năm 2015). 
Năm 2015, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 840,7 triệu USD, tăng 11,74% so với 2014; trong đó đầu tư nước ngoài đạt hơn 553 triệu USD tăng gần 60% so với 2014, đầu tư trong nước đạt hơn 6.172 tỷ đồng (tương đương 287 triệu USD) giảm 29% so với 2014. Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh do một số dự án lớn nắm bắt cơ hội Việt Nam và 11 nước khác kết thúc đàm phán Hiệp định TPP. 
Trong năm qua, Hepza đã cấp mới 26 dự án đầu tư nước ngoài và 62 dự án đầu tư trong nước; trong đó đó, nhiều dự án đầu tư theo định hướng các ngành mũi nhọn của thành phố, như dự án sản xuất ô tô của Công ty TNHH Deahan Motors tại khu công nghiệp Cơ khí ô tô; dự án sản xuất thực phẩm của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P.Việt nam – Chi nhánh 3 tại khu công nghiệp Tân Phú Trung; dự án sản xuất thân xe có động cơ của Công ty cổ phần ô tô Tân Bình tại khu công nghiệp Cát Lái… 
Hiện các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào các khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nhiều nhất là Anh, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Australia. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực dệt may nhiều nhất - chiếm 67% tổng số vốn đầu tư, thực phẩm chiếm 11%, hóa chất 8,7%, cơ khí 4,5%, nhựa cao su 4,1%, dịch vụ gần 3%. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ nhiều nhất, chiếm 34% tổng số vốn đầu tư, cơ khí 16%, sau đó là thực phẩm, hóa chất, vật liệu xây dựng, điện tử…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục