TPP sẽ tạo ra cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam

17:03' - 08/04/2016
BNEWS TPP và các FTA khác khi có hiệu lực sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đây là những yếu tố bên ngoài thuận lợi cho kinh tế Việt Nam.
TPP sẽ tạo ra cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, nhận định: Tăng trưởng năm 2016 của nước ta được dự báo ở mức 6,5%, thậm chí có thể thấp hơn tùy thuộc vào kết quả của tái cơ cấu bốn nội dung trọng tâm và cải thiện môi trường kinh doanh.

Lý giải về nhận định trên, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, năm 2016, tác động của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chưa lớn, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu khó hơn năm 2015.

Nếu tiến trình tái cơ cấu triển khai quyết liệt thì sẽ phải đánh đổi tăng trưởng, đặc biệt trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng đây là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Trong năm 2016, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới.

Thông tin trên được ông Tuyển chia sẻ tại hội nghị "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 8/4.

Các chuyên gia tham dự hội nghị dự báo, nhiều khả năng TPP sẽ có hiệu lực trong năm 2017, các FTA đã kết thúc đàm phán (trừ FTA Việt Nam –EU) cũng sẽ có hiệu lực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đây là những yếu tố bên ngoài thuận lợi cho kinh tế Việt Nam.

Trong nước, bộ máy quản lý các cấp đã đi vào hoạt động ổn định, tạo động lực mới, phong trào khởi nghiệp sẽ mạnh hơn trong năm 2017, sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới, là nhân tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế năm 2017 và 2018 sẽ cao hơn năm 2016.

Theo ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ. Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động chuẩn bị và thực hiện các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP.

Cụ thể, để trở thành nhà cung ứng "đạt chuẩn" cho các công ty Mỹ và toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo tốt các yêu cầu về thông tin doanh nghiệp, giao dịch thông tin điện tử, chứng nhận chất lượng và an toàn, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm...

Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Khóa, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định: Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cung cấp thông tin về các cam kết thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và lao động trong TPP; định hướng chiến lược và các bước chuẩn bị cần thiết cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia TPP.

Thành phố luôn xem hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh xác định việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tác động của TPP là hết sức cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục