Trà Vinh chuyển đổi 7.900 ha đất trồng lúa không thuận lợi

09:51' - 27/05/2017
BNEWS Trà Vinh đang triển khai chương trình vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất khoảng 7.900 ha đất trồng lúa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thiếu nước và bị xâm nhập mặn.
Biến đổi khí hậu: Trà Vinh chuyển đổi 7.900 ha đất trồng lúa không thuận lợi. Ảnh minh họa: TTXVN.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang triển khai chương trình vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất khoảng 7.900 ha đất trồng lúa ở những vùng không thuận lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thiếu nước và bị xâm nhập mặn.
Cụ thể, ở huyện Trà Cú sẽ chuyển đổi sản xuất 2.140 ha, huyện Châu Thành chuyển đổi 1.570 ha, huyện Cầu Ngang 350 ha, huyện Cầu Kè 373 ha, huyện Tiểu Cần 560 ha, huyện Càng Long 730 ha, huyện Duyên Hải 1.520 ha, thị xã Duyên Hải 615 ha, thành phố Trà Vinh 42 ha. Những diện tích trên được khuyến khích nông dân trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, kết hợp nuôi thủy sản…
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi giúp nông dân khai thác mặt tích cực của biến đổi khí hậu để sản xuất hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ nông dân sản xuất cánh đồng lớn để gắn kết với doanh nghiệp; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Tỉnh Trà Vinh có diện tích đất trồng lúa hàng năm khoảng 234.000 ha, năng suất trung bình khoảng 5,3 tấn/ha, sản lượng đạt bình quân 1,2 triệu tấn/năm. Thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi sản xuất trồng lúa đến năm 2020 còn 224.000 ha và đến năm 2030 còn 201.000 ha, sản lượng lúa ổn định 1,3 triệu tấn (lúa chất lượng cao chiếm 70-80% tổng sản lượng).
Qua 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, nuôi thủy sản... theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đến nay nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được gần 6.000 ha.
Trong 6.000 ha đã được chuyển đổi có trên 172 ha chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, 438 ha chuyển đổi sang trồng dưa hấu, 515 ha chuyển đổi sang trồng đậu phộng, 874 ha chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò, 1.542 ha chuyển đổi sang trồng rau các loại và hơn 2.240 ha chuyển đổi sang trồng bắp.
Diện tích đất trồng lúa sau khi chuyển đổi đã giúp nông dân tăng thu nhập gấp 1,5 đến 3 lần so với trồng lúa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục