Tránh bình quân hóa lương tối thiểu với các yếu tố giá

16:44' - 28/08/2015
BNEWS Ths. Phạm Thành Công cho rằng cần đưa ra bộ chỉ số tính toán về hệ thống tiền lương tối thiểu chung. Đây sẽ là cơ sở tham chiếu khi muốn tăng lương tối thiểu chung trong ngành hay vùng.

LTS: Tiền lương tối thiểu vùng là một trong những vấn đề quan trọng được các ngành, các cấp, đoàn thể, người lao động và người sử dụng lao động trong cả nước quan tâm. Đặc biệt, khi những bất đồng về quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 giữa đại diện người sử dụng lao động và lao động vẫn chưa được hóa giải khiến nhiều cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chưa đạt kết quả.

Ảnh minh họa (TTXVN)

Để hiểu rõ và có cái nhìn khách quan hơn vấn đề này, Kinh tế Việt Nam và Thế giới giới thiệu bài viết của chuyên gia kinh tế, Ths. Phạm Thành Công, Viện Kinh tế Việt Nam.

Trong nền kinh tế hiện nay, tiền lương tối thiểu là vấn đề quan trọng đối với người lao động vì nó là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Trong đó, lương tối thiểu vùng là một trong các yếu tố quan trọng bên cạnh tiền lương tối thiểu chung và ngành, được áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Các quy định về tiền lương tối thiểu vùng đã không ngừng thay đổi và ban hành mới để phù hợp với tình hình thực tế. Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về tiền lương tối thiểu thông qua Nghị định 103/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2015.

Theo đó, với mức tiền lương tối thiểu 4 vùng được tăng trong phạm vi từ 250.000 - 400.000 đồng/vùng cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Có thể nói, tiền lương tối thiểu vùng luôn là tâm điểm chú ý của công chúng vì nó ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như ảnh hưởng đến lạm phát hay nói đúng mức tiêu dùng của dân cư; tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động.

Mặt khác, việc tăng lương tối thiểu vùng cũng ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 của Chính phủ từ chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Do vậy, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng phải phù hợp với các chỉ tiếu kinh tế - xã hội trong năm đó.

Bên cạnh đó, tiền lương tối thiểu vùng phải dựa trên tiền lương tối thiểu chung bởi mỗi vùng có các điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và mức sinh hoạt ăn ở, đi lại khác nhau nên có ảnh hưởng đến tiền lương thực tế mà người lao động nhận được (đặc biệt là đối với doanh nghiệp, cá nhân sử dụng người lao động là người Việt hay người nước ngoài).

Ảnh minh họa (Trần Việt/TTXVN)

Do vậy, việc đề xuất tiền lương tối thiểu vùng phải dựa trên các yếu tố sau:

Thứ nhất, phải đảm bảo sự chênh lệch về nhu cầu tối thiểu thực tế của người lao động trong các vùng là không quá lớn. Điều này là do trình độ phát triển, tập tục văn hóa khá nhau giữa các vùng nên nhu cầu thực tế của người lao động trong vùng rất khác nhau.

Do đó, trong thiết kế mức tiền lương tối thiểu vùng cần tính đến sự khác biệt về nhu cầu thực tế của người lao động của các vùng khác nhau.

Thứ hai, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống chung đạt được trong vùng. Mức sống là một yếu tố quan trọng trong việc xác định tiền lương tối thiểu theo vùng nhằm xác định mức tiền lương tối thiểu trong từng vùng phù hợp với điều kiện cụ thể.

Mức sống trong vùng phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của vùng và ngược lại. Để đánh giá mức sống từng vùng cần chú ý tới 4 yếu tố sau: Hệ số chênh lệch về thu nhập; Hệ số chênh lệch về mức chi tiêu; Hệ số chênh lệch về tỉ lệ chi trong cơ cấu chi tiêu ;Hệ số chênh lệch về chỉ số phát triển con người.

Thứ ba, mức lương tối thiểu cũng cần chú ý đến mức tiền lương tiền công đạt được trong vùng. Con số này phản ánh trong các chi tiêu về thu nhập bình quân trên đầu người, mức tiền công, tiền lương đạt được trong vùng được sử dụng để so sánh mức tiền lương tối thiểu, mức tiền lương bình quân thiết kế so với mức thực tế đang áp dụng.

Thứ tư, phải dựa trên giá cả và tốc độ tăng giá sinh hoạt, giá cả thực tế trong vùng chi phối giá trị thực tế của tiền lương tối thiểu. Giá cả của từng vùng tại một thời điểm đã được xem xét cùng với nhu cầu tối thiểu để tính cụ thể mức lương tối thiểu.

Do đó, cần theo dõi chặt chẽ sự biến động để điều chỉnh tiền lương tối thiểu kịp thời nhằm đảm bảo tiền lương thực tế cho người hưởng lương.

Từ các yếu tố trên có thể thấy việc tăng lương tối thiểu vùng, theo quan điểm của tác giả là cần thiết trong năm 2016. Tuy nhiên, việc tính toán tăng bao nhiêu và tại thời điểm nào cần dựa trên cơ sở tính toán khoa học và thời điểm cần tăng lương phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại năm đó, cùng với đó phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là: Tránh việc bình quân hóa mức lương tối thiểu với các yếu tố giá cả - hàng hóa và dịch vụ, điều kiện sinh hoạt, đi lại… mà phải dựa trên cơ sở tính toán khoa học, công bằng về tiền lương thông qua việc xem xét về phân phối công sức lao động (dựa trên năng suất lao động của mỗi vùng).

Hai là: Việc tăng tiền lương tối thiểu phải đảm bảo là hành lang pháp lý an toàn cho người lao động để từ đó trở thành lưới an toàn cho người lao động.

Ba là : Phải đảm bảo và giữ vững việc tăng khả năng cạnh tranh của người lao động trong từng vùng, vừa đảm bảo môi trường lao động lành mạnh, vừa phải đảm bảo tăng cường hiệu lực của chính sách tiền lương trong thời gian dài.

Bốn là: Phải đảm bảo thống nhất hai mức lương tối thiểu vùng với hai nhóm là nhóm áp dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sử dụng lao động có yếu tố nước ngoài và nhóm áp dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sử dụng lao động là người Việt Nam nhằm xóa bỏ sự cách biệt, tạo sự công bằng cho trả công người lao động.

Điều này đòi hỏi mức điều chỉnh lương tối thiểu có vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm hơn để đảm bảo công bằng đối với hai mức lương này.

Dựa trên những yếu tố ảnh hưởng tới tiền lương tối thiểu vùng, đề giải quyết những bất đồng về việc tăng lương tối thiểu, Hội đồng tiền lương quốc gia nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia kinh tế về tiền lương thông qua việc tính toán một cách khoa học, hợp lý dựa trên các yếu tố về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016.

Dựa trên ý kiến của các chuyên gia, Hội đồng tiền lương đưa ra các tiêu chuẩn về việc xác định hệ thống tiền lương tối thiểu chung, đặc biệt là đưa ra bộ chỉ số tính toán về hệ thống tiền lương tối thiểu chung. Đây sẽ là cơ sở tham chiếu khi muốn tăng lương tối thiểu chung trong ngành hay vùng./.

Phạm Thành Công, Viện Kinh tế Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục