Triển khai hóa đơn điện tử: Hiện thực hóa mục tiêu minh bạch (Bài II)

06:49' - 30/10/2016
BNEWS Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, tình trạng thất thu thuế hiện đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề do chưa có sự kiểm soát chặt chẽ.
Triển khai hóa đơn điện tử: Hiện thực hóa mục tiêu minh bạch. Ảnh: Hóa đơn điện tử

Với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong ngành thuế, cũng là cách góp phần hiện đại hóa công tác quản trị doanh nghiệp và hiện thức hóa Nghị định 36a về Chính phủ điện tử.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Đại lý thuế Tâm Việt, về bản chất, hóa đơn điện tử cập nhật ngay hành vi giao dịch tại thời điểm diễn ra sau vài giây để kiểm soát nguồn thu. Việc làm này rút ngắn thời gian từ khi phát sinh đến thời điểm kê khai doanh số. Đây có thể nói là giải pháp không mong muốn của các doanh nghiệp đang thiếu minh bạch trong kê khai thuế. Do vậy, việc triển khai không thể hô hào, khuyến khích mà cần có quy định cụ thể.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành thuế đã đưa nhiều giải pháp hiện thực hóa mục tiêu minh bạch trong khâu thu thuế. Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài Chính ban hành Quyết định thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế phù hợp theo thẩm quyền đối với 200 doanh nghiệp trên đại bàn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đến hết tháng 12/2016 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thí điểm thông suốt.

Bên cạnh đó, ngành thuế phối hợp với các cơ quan nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin triển khai hóa đơn điện tử của cơ quan thuế. Đề án thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt ngay cả khi cộng đồng doanh nghiệp tham gia trên diện rộng.

Ngay từ giai đoạn triển khai, Tổng cục Thuế đã tập trung tuyên truyền về các chính sách và văn bản hướng dẫn liên quan hóa đơn điện tử trong nội bộ cơ quan thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hội nghị, hội thảo với doanh nghiệp... Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông này chưa thể bao quát và tiếp cận tới gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Thông tin cung cấp cho các đơn vị cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc áp dụng, thi hành các nghị định và thông tư có liên quan.

Một hạn chế khác trong việc triển khai hóa đơn điện tử là hạ tầng công nghệ thông tin. Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức chống đói nghèo quốc tế ActionAid Việt Nam cho rằng, hệ thống này hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử đã đề ra nhiệm vụ phải liên thông được toàn bộ các hệ thống văn bản điện tử trên cả nước (từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ Trung ương đến địa phương và ngược lại), đảm bảo thông suốt từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.

"Nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, có thể thấy bản thân hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan quản lý thuế chưa kiện toàn đủ để đáp ứng nhu cầu. Tương tự, phần mềm để triển khai hóa đơn điện tử hiện nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận, đầu tư, nâng cấp. Việc đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc, kết nối công nghệ thông tin và các phần mềm chuyên dụng chưa được quan tâm", bà Hoàng Phương Thảo nhận xét.

Bên cạnh đó, những vấn đề cũng được các doanh nghiệp băn khoăn đặt ra đó là đã đủ hành lang pháp lý, tính an toàn, bảo mật cho hóa đơn điện tử và hình thức này có được sự chấp nhận rộng rãi của các đối tác, cơ quan có liên quan… ? Ngoài ra, sự trì hoãn áp dụng hóa đơn điện tử của một số doanh nghiệp có hành vi trốn, gian lận thuế hay những doanh nghiệp thiếu minh bạch trong quản lý tài chính cũng là lý do khó khuyến khích tham gia phương pháp quản lý thuế này.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng cho biết, bản thân chưa được tuyên truyền về vấn đề này. Nhưng doanh nghiệp đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam để mong muốn cung cấp dịch vụ liên quan tới việc triển khai hóa đơn điện tử.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Đây là hành lang pháp lý nhằm minh bạch quản lý thuế.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức chống đói nghèo quốc tế ActionAid Việt Nam, trước hiện trạng thất thu thuế vẫn còn xảy ra, nên bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, bởi đây là công cụ đã được sử dụng phổ biến trên thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực thuế.

Bên cạnh đó, với những doanh nghiệp mỗi tháng, mỗi năm phải in cả triệu hóa đơn thì hóa đơn điện tử là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí phát hành, bảo quản, lưu trữ hóa đơn. Từ đó, nâng hiệu quả hoạt động thông qua việc đáp ứng tính an toàn, nhanh chóng trong tra cứu và minh bạch quản lý tài chính.

Thực tế, hoá đơn điện tử chính thức được coi là hình thức hóa đơn hợp pháp tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010. Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là một trong nhiều giải pháp đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính về thuế, thông qua việc cắt giảm tối đa thủ tục rườm rà, giảm thiểu thời gian, chi phí làm thủ tục thuế đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng theo bà Thảo, việc tuyên truyền về lợi ích của hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng là vô vùng cần thiết. Việt Nam cũng cần tăng cường tính pháp lý cho hóa đơn điện tử. Hiện nay Bộ Tài chính đang xem xét sửa Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính; trong đó tạo cơ sở pháp lý chắc chắn hơn cho hóa đơn điện tử để phù hợp với thực tế và những năm tới đây. Trong trường hợp này, Bộ Tài chính nên ban hành sớm thông tư về sử dụng hóa đơn điện tử.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Đại lý thuế Tâm Việt cũng cho rằng, để hiện thực hóa chủ trương này, giải pháp được đưa ra là cùng thời điểm cấp mã số thuế, cấp dấu, doanh nghiệp phải mua luôn thiết bị kê khai điện tử. Với cách làm này, những doanh nghiệp muốn thành lập buộc phải có thiết bị kê khai điện tử. Như vậy, Nhà nước mới có thể kiểm soát nguồn thu ngay từ đầu vào.

Tuy nhiên cần phân loại cụ thể đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; hộ kinh doanh cá thể để có sự phối hợp tốt đối với các đơn vị liên quan.

Với trường hợp hộ kinh doanh cá thể, ông Dũng nêu ý kiến, hiện giao dịch tại nhiều cửa hàng kinh doanh cá thể chủ yếu bằng tiền mặt nên rất khó kiểm soát nếu không sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông đề xuất, tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có nhiều cửa hàng kinh doanh cá thể, có thể triển khai thí điểm phương thức huy động cán bộ thu thuế xã, phường vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn cửa hàng cách làm cụ thể trong thực hiện hóa đơn điện tử.

Còn theo bà Hoàng Phương Thảo, vấn đề mấu chốt trong triển khai hóa đơn điện tử đối với cơ quan nhà nước là phải xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đầu tư áp dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, bà kiến nghị Tổng cục Thuế nâng cấp hệ thống máy chủ, xây dựng và triển khai phương án lưu dự phòng dữ liệu hóa đơn điện tử, nâng dung lượng các đường truyền và thiết lập đường truyền dự phòng đảm bảo chất lượng ổn định. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước đã áp dụng thành công hóa đơn điện tử để tìm ra giải pháp công nghệ phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó, một số nước áp dụng thành công mô hình này như Hàn Quốc, Đức…

Về phía doanh nghiệp và hộ kinh doanh, cần chủ động đầu tư phát triển công nghệ thông tin thông qua việc áp dụng cài đặt các chương trình phần mềm quản lý hóa đơn điện tử tương thích, đáp ứng yêu cầu về quản lý tài chính, khởi tạo, lập, lưu trữ, kết nối máy POS, hạch toán – kiểm toán… đảm bảo tính chính xác và minh bạch tài chính.

>>>Triển khai hóa đơn điện tử: Muôn kiểu lách thuế (Bài I)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục