Triển khai mạng 4G: Nhà mạng đã thực sự vào cuộc?

12:42' - 28/02/2017
BNEWS Bộ Thông tin và truyền thông sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G trong năm 2017.
Triển khai mạng 4G tại Việt Nam: Cần sự quyết tâm của các nhà mạng. Ảnh: Viettel

“Trong năm 2017, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G, đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết.

Việc triển khai mạng 4G sẽ tạo nên một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ nội dung. Cùng với việc tốc độ kết nối truy cập dữ liệu tăng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ này của người sử dụng sẽ ngày càng phát triển, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp có thể thu được doanh thu ngày càng lớn hơn.

Theo Bộ trưởng, từ vài năm nay, doanh thu của các nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển dịch.

Trước đây, các dịch vụ truyền thống như thoại và tin nhắn chiếm phần lớn doanh thu thì nay với sự phát triển của 3G, 4G các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nội dung trên nền công nghệ số đã dần chiếm tỉ trọng lớn doanh thu của các nhà mạng.

Tại Việt Nam, các nhà mạng viễn thông đã quan tâm từ khá sớm việc phát triển các dịch vụ nội dung và xu thế hội tụ đa dịch vụ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa thực sự quyết tâm trong triển khai các dịch vụ này.

Các nhà mạng viễn thông mặc dù có lợi thế về nhân lực, bộ máy, trang thiết bị công nghệ thông, có mạng lưới viễn thông rộng khắp bao phủ tới từng xã, từng thôn nhưng việc cung cấp nội dung và các loại hình dịch vụ nội dung chưa tương xứng với quy mô mạng lưới, chưa tận dụng được thế mạnh sẵn có.

Các sản phẩm nội dung chưa có nhiều đột phá, các dịch vụ giá trị gia tăng chưa có sự sáng tạo, chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết thực trong thực tế cuộc sống.

Việc hội tụ đa dịch vụ trên một đường truyền dẫn của các nhà mạng cũng được triển khai thực hiện nhưng thị trường vẫn thiếu vắng các loại hình dịch vụ phù hợp với khu vực nông thôn và đại đa số các hộ dân; các dịch vụ truyền hình dựa trên nền tảng internet đã có nhưng giá thành còn cao và chưa phù hợp với khả năng chi tiêu ở nhiều vùng miền. Đây là một số khó khăn vướng mắc cần giải quyết trong ngắn hạn.

Việc phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ IoT (Internet of Thing - internet vạn vật) với các ứng dụng dựa trên các kết nối internet tạo nên nhiều tiện ích cho cuộc sống là xu hướng toàn cầu. Trong tương lai, tất cả đều cần sự kết nối, sự tham gia sáng tạo và thực hiện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông mà đặc biệt là các nhà mạng viễn thông cần đi tiên phong, đóng vai trò chủ đạo.

Song song với việc phát triển các dịch vụ, ứng dụng theo chiều sâu đi vào phục vụ người dân và an sinh xã hội, việc đưa viễn thông của Việt Nam ra toàn cầu là hết sức cần thiết.

Việt Nam cần đẩy nhanh, mạnh việc phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin có tính sáng tạo, đặc trưng của Việt Nam để có thể đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, tạo ra nền tảng để đưa ngành viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam vươn tầm ra thế giới.

Việc các doanh nghiệp của Việt Nam đi ra nước ngoài không chỉ với mục đích phát triển kinh doanh mà sẽ còn là cầu nối truyền tải được văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam một cách thuyết phục và sắc nét nhất đến với bạn bè trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục