Triển khai nhiều dự án tăng năng lực cấp điện cho Thủ đô Hà Nội

11:26' - 30/11/2016
BNEWS Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đang tập trung triển khai nhiều dự án tăng năng lực cấp điện cho Thủ đô Hà Nội.
Trạm biến áp 500/220 kV Đông Anh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cụ thể, dự án Trạm biến áp 220 kV Sơn Tây và đấu nối đã hoàn thành đóng điện trong tháng 4/2016. Dự án Trạm biến áp 220 kV Long Biên và đấu nối theo tiến độ hoàn thành vào tháng 8/2016.

Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đến tháng 4/2016 mới thực hiện xong nên NPMB đang đôn đốc Nhà thầu xây lắp và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, lùi thời gian đóng điện, vận hành công trình vào tháng 12/2016.

Các dự án Trạm biến áp 220 kV Đông Anh và Trạm biến áp 220 kV Tây Hà Nội cũng vậy. Theo tiến độ hai dự án này phải hoàn thành trong tháng 8/2016 nhưng do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên NPMB đang phải đôn đốc Nhà thầu xây lắp và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ phục vụ đóng điện, vận hành công trình vào tháng 12/2016.

Cùng với đó, dự án Trạm biến áp 500 kV Đông Anh và đấu nối cũng có kế hoạch hoàn thành trong tháng 8/2016 nhưng hiện còn 1 vị trí thuộc đường dây đấu nối 500 kV vào Trạm chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa thi công được.

Dự án Trạm biến áp 500 kV Tây Hà Nội đã được NPMB khởi công tháng 8/2016. Công trình đã thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Nhà thầu xây lắp đang đẩy nhanh tiến độ thi công để vận hành công trình theo kế hoạch là tháng 1/2018.

Đối với dự án đường dây 500/220kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, theo tiến độ là hoàn thành trong tháng 12 tới. Tuy nhiên, dự án này đang tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng nên ảnh hướng đến tiến độ đóng điện.

Ông Đỗ Đức Mạnh, Trưởng phòng Đền bù (NPMB) cho biết, tại địa phận huyện Sóc Sơn, địa phương đã bàn giao toàn bộ 35 vị trí móng cột cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, có 1 vị trí số 41 chưa thi công được, do vị trí này nằm vào diện tích đất chưa dồn điền đổi thửa xong.

UBND xã Đức Hòa đã thống nhất để lãnh đạo thôn đứng lên nhận tiền (việc này được toàn bộ nhân dân trong thôn họp thống nhất). Trên cơ sở đó, NPMB đã chi trả cho Ban Lãnh đạo thôn. Khi vào thi công, 7 hộ dân có đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có đơn gửi UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Đức Hòa đề nghị bồi thường trực tiếp cho các hộ dân.

UBND xã Đức Hòa đã có văn bản trả lời khẳng định các hộ dân không được bồi thường và đề nghị tạo điều kiện cho thi công. UBND huyện Sóc Sơn cũng có văn bản trả lời các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Đường dây 500/220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Về hành lang an toàn của đường dây này trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm và quận Long Biên (thành phố Hà Nội) chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên đường dây đi qua địa phận huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã kiểm đếm xong phần hành lang an toàn, đang xác định nguồn gốc đất để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

Đối với dự án đường dây 220kV Hòa Bình - Tây Hà Nội cũng đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên không thể hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 8/2016.

Theo Trưởng phòng Đền bù Đỗ Đức Mạnh, đoạn tuyến qua địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội hiện còn 4 vị trí chưa bàn giao mặt bằng.

“Tại hành lang vị trí 113-114 đang tồn tại dãy nhà cấp 4 của 17 hộ dân. Các hộ dân này được UBND xã ký Hợp đồng thầu khoán đất để làm trang trại. Đến thời điểm năm 2013, Hợp đồng đã hết hạn, nên các hộ không được bồi thường, hỗ trợ. Huyện Quốc Oai đã tổ chức họp nhiều lần với các bên liên quan nhưng vẫn chưa giải quyết được”, ông Mạnh cho biết.

Ngoài ra, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hòa Bình, vướng mắc lớn nhất trên địa bàn tỉnh là công tác xác định giá đất cụ thể làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Công tác này kéo dài đến nay đã hơn một năm mới cơ bản giải quyết được.

Ông Đỗ Đức Mạnh cũng cho biết, với dự án đường dây 220 kV nhánh rẽ Trạm biến áp 220 kV Tây Hà Nội phải lùi thời gian đóng điện đến tháng 12/2016 do đoạn tuyến qua địa bàn huyện Hoài Đức đến nay chưa giải phóng mặt bằng được.

UBND xã Đông La không đồng thuận với hướng tuyến đường dây đã được UBND thành phố chấp thuận. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng trên thực địa./.

>>> Trạm biến áp 220kV Bảo Lâm và đấu nối đóng điện trước kế hoạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục