Triển vọng đầu tư tại châu Á được đánh giá tích cực

18:09' - 20/04/2017
BNEWS Các lãnh đạo hàng đầu của tập đoàn Credit Suisse (Thụy Sỹ) nhận định triển vọng đầu tư tại khu vực châu Á là tích cực nhờ nhu cầu xuất - nhập khẩu tăng do kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi.

Ông Benjamin Cavalli - Giám đốc Credit Suisse Singapore, Phụ trách khối ngân hàng tư nhân khu vực Đông Nam Á cho biết mặc dù phải đối mặt với một loạt thách thức đến từ việc chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại và nguy cơ trả đũa thương mại có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu,... song nhu cầu đầu tư tại khu vực châu Á vẫn khá lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và công nghệ.

Đặc biệt, các chuyên gia tham dự Hội nghị Xu hướng Đầu tư toàn cầu năm 2017 diễn ra ở Singapore ngày 20/4 cho rằng tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng là rất lớn và đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy sự di chuyển lao động và tăng việc làm.

Như vậy, cùng với dân số toàn cầu đang tăng nhanh và đô thị hóa nhanh chóng thì nhu cầu cải thiện và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lại càng trở nên quan trọng hơn.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong giai đoạn 2016-2030, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á lên tới 26.000 tỷ USD, tương đương 1.700 tỷ USD/năm, gấp đôi so với dự báo trước đây.

Nếu không tính chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, nhu cầu vốn sẽ là 22.600 tỷ USD, tương đương 1.500 tỷ USD/năm.

Mặt khác, theo ông Suresh Tania, trợ lý Phó Chủ tịch Chiến lược đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse, kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu hồi phục với sự dẫn dắt của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, dự kiến tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm nay cùng với sự hồi phục của khu vực châu Âu.

Chính những điều này sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu của khu vực châu Á nên sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung. Các số liệu đã chỉ ra rằng lần đầu tiên trong vòng bảy năm qua, xuất khẩu của châu Á đã tăng trưởng tích cực, nhất là ở Hàn Quốc, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hay Singapore ...

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh John Major cũng nhận định rằng mặc dù sự kiện Brexit đã gây ra một cú sốc về tài chính đáng kể, khiến cho đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và hiện vẫn chưa hồi phục, song đến nay vẫn chưa có gì khẳng định chắc chắn liệu khủng hoảng tài chính toàn cầu có đang diễn ra hay không.

Và điều quan trọng là các nhà đầu tư cần có một cái nhìn dài hạn, lường trước những bất ổn về chính trị để đưa ra những quyết sách đúng đắn, đồng thời tìm thấy được những cơ hội mới.

Tại Hội nghị Xu hướng Đầu tư toàn cầu năm 2017, gần 600 đại biểu là các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ các cơ hội đầu tư trong khu vực trên cơ sở nhận định các xu hướng về địa chính trị, kinh doanh và công nghệ có thể chi phối sự phát triển của châu Á trong tương lai để từ đó xây dựng những chiến lược dài hạn.

>>>Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của châu Á có xu hướng giảm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục