Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3: Tăng cường kết nối phát triển

19:23' - 25/05/2018
BNEWS Chiều 25/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3: Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Dương/TTXVN

Tại Hội thảo “Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3: Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển” do Bộ Tài chính và Cơ quan Nghiên cứu vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO) tổ chức chiều 25/5, tại Hà Nội, các diễn giả đã nhấn mạnh khu vực ASEAN+3 đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng các nền kinh tế trong khu vực cần tăng cường kết nối, phát triển khu vực dịch vụ, xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng để đáp ứng những yêu cầu của thế giới.
Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO, ông Hoe Ee Khor đã trình bày những kết quả của Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3 2018 do AMRO thực hiện và được công bố gần đây.
Theo ông Hoe Ee Khor, do tổng cầu bên ngoài cải thiện, tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 dự báo sẽ duy trì ở mức 5,4% năm 2018 và 5,2% vào năm 2019. Đối với Việt Nam, Báo cáo cho rằng triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở mức tích cực với tăng trưởng GDP tăng mạnh ở mức 7,4% vào quý I/2018.
Tuy nhiên, khu vực ASEAN+3 vẫn phải đối mặt với 2 rủi ro ngắn hạn: Điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị thắt chặt nhanh hơn dự báo và leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.

Các rủi ro này nếu hiện thực hóa sẽ gây tác động bất lợi dưới dạng các luồng vốn bị rút khỏi khu vực, chi phí vốn tăng lên, hoạt động đầu tư và thương mại trong khu vực suy giảm.
Vì vậy, Báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục củng cố không gian chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ.

Chính sách tài khóa có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng, trong khi thắt chặt chính sách an toàn vĩ mô đối với các khu vực tiềm ẩn rủi ro do tăng trưởng tín dụng trước đó có thể giúp ổn định thị trường tài chính.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Cái lợi lớn nhất của Việt Nam khi xem xét Báo cáo này là thấy được bối cảnh khu vực ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á là các bạn hàng lớn của chúng ta”.
Ông Nguyễn Đức Thành đánh giá cao phần So sánh quốc tế trong Báo cáo, qua đó thấy được Việt Nam đang ở đâu trong nhóm các nước ASEAN+3; có những rủi ro và cơ hội gì trong mối tương quan đó; đồng thời đưa ra những gợi ý hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và độc giả quan tâm ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các diễn giả đề cập đến 2 mặt trong sự thành công của khu vực khi áp dụng chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu”.
Cụ thể, các nền kinh tế được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến xuất khẩu để phát triển năng lực sản xuất.

Cùng với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn ở ASEAN, Việt Nam rất thành công trong việc thu hút FDI, xây dựng khu vực sản xuất cạnh tranh, tạo công ăn việc làm, tăng năng suất lao động và thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, chiến lược này đang đứng trước thách thức của bảo hộ thương mại, những thay đổi trong các chuỗi giá trị toàn cầu, cho phép các nước sản xuất nguyên liệu đầu vào ngay tại thị trường sở tại, thay vì phải nhập khẩu. Bên cạnh đó là những xu hướng mới về công nghệ và sản xuất.
Để đối phó với các thách thức trên, các diễn giả cho rằng các nền kinh tế khu vực phải tăng cường kết nối và hội nhập khu vực, qua đó hưởng lợi từ tăng cường cầu nội khối đối với hàng hóa, dịch vụ và củng cố tăng trưởng bền vững chống lại các cú sốc bên ngoài./.
Xem thêm:

>>>Indonesia hài lòng với kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 32

>>>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 32

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục