Triển vọng xuất khẩu của châu Á vẫn yếu

11:12' - 23/09/2015
BNEWS Theo số liệu xuất hàng hàng tháng mới nhất, giá trị xuất khẩu (tính bằng USD) của châu Á trong tháng 7/2015 giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Các nhà phân tích cho rằng với việc giá dầu mỏ và các loại hàng hóa sụt giảm, xuất khẩu của các nước châu Á đã đi xuống từ đầu năm đến nay và triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu trên thế giới. 

Theo số liệu xuất hàng hàng tháng mới nhất, giá trị xuất khẩu (tính bằng USD) của châu Á trong tháng 7/2015 giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là tháng giảm thứ chín liên tiếp và là số liệu yếu kém nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu năm 2008.

Giá trị xuất khẩu của châu Á trong tháng 7/2015 giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Ảnh: THX/TTXVN

Một vài quốc gia châu Á hiện đã thông báo số liệu xuất khẩu của tháng 8/2015 cho thấy xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh hơn. 

Quan điểm truyền thống cho rằng châu Á đang đánh mất sức cạnh tranh về xuất khẩu khi lương tăng, song HSBC Global Research cho hay những thay đổi về sức cạnh tranh không giải thích một cách đầy đủ về hiện trạng xuất khẩu của châu Á.

Khu vực này đã hướng tới xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn vì vậy việc xuất khẩu suy giảm có thể cho thấy một thách thức cơ cấu cực kỳ lớn đối với các nền kinh tế châu Á. Vì vậy, HSBC lo ngại giai đoạn xấu nhất vẫn chưa kết thúc và nếu có bất kỳ sự hồi phục nào của hoạt động xuất khẩu thì cũng diễn ra ở quy mô khá hạn chế.

Trong khi đó, công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô độc lập Capital Economics cho hay sự sụt giảm giá dầu và hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xuất khẩu đi xuống của châu Á trong năm nay.

Đối với một quốc gia như Indonesia, với hàng hóa chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu, không có gì ngạc nhiên khi xuất khẩu sụt giảm. Tuy vậy, xuất khẩu cũng giảm ở mức hai con số hoặc gần hai chữ số ở cả các nền kinh tế như Ấn Độ, Singapore và Philippine - vốn không phải là các nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu khu vực.

Điều này là do tác động dây chuyền từ sự suy giảm tiêu dùng và đầu tư nội địa của các nước xuất khẩu hàng hóa chủ chốt tới các quốc gia trên.

Bên cạnh nhu cầu thế giới yếu kém, một yếu tố khác cũng góp phần dẫn tới tình trạng xuất khẩu suy giảm của châu Á là đồng USD mạnh lên.

Ví dụ, đồng won của Hàn Quốc giảm giá khoảng 15% so với USD trong năm 2014, khiến kim ngạch xuất khẩu của nước này tính bằng USD sụt giảm cho dù thực tế nếu số liệu này được tính bằng đồng nội tệ won lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh Quân (Theo THX)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục