Trợ cấp xã hội: Điểm then chốt trong đàm phán Anh-EU

11:55' - 18/02/2016
BNEWS Việc hạn chế một số lợi ích an sinh xã hội như trợ cấp gia đình đối với những công dân châu Âu không phải người Anh mà Thủ tướng Anh đưa ra đang là điểm tế nhị nhất trong đàm phán Anh -EU.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết không có bất cứ đảm bảo nào về việc đạt được thỏa thuận với London. Ảnh: Hương Giang/TTXVN

Một ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) về tương lai của nước Anh trong EU hôm 18-19/2 tại thủ đô Brussels (Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 17/2 cho biết không có bất cứ đảm bảo nào về việc đạt được thỏa thuận với London.

Trong bức thư gửi lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU, Chủ tịch Donald Tusk nhấn mạnh: “Sau các cuộc tham khảo của tôi mấy giờ gần đây, tôi phải thú nhận thẳng thắn rằng không hề có sự đảm bảo nào về một thỏa thuận mà chúng tôi sẽ đạt được”.

Chủ tịch Tusk cho biết hiện còn nhiều khác biệt về một số điểm chính trị và điều này rất khó vượt qua và khẳng định lãnh đạo EU vẫn có thái độ xây dựng.

Từ hồi tháng Mười Một vừa qua, liên quan đến vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) Thủ tướng Cameron đã đưa ra những đòi hỏi liên quan đến bốn điểm: sức cạnh tranh, vai trò của nghị viện quốc gia, quan hệ giữa các nước thành viên trong và ngoài khu vực đồng euro (Eurozone) và cuối cùng, việc hạn chế một số lợi ích an sinh xã hội như trợ cấp gia đình đối với những công dân châu Âu không phải người Anh.

Đây là điểm tế nhị nhất vì có thể vi phạm các nguyên tắc cơ bản của EU như tự do đi lại của người lao động hay không được phân biệt đối xử đối với mọi người.

Các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo EU và Thủ tướng Cameron vấp phải một số đòi hỏi từ phía Anh, đặc biệt việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu làm việc tại Anh. Chủ tịch Tusk đề xuất cắt khoản hỗ trợ này trong 4 năm.

Hôm 16/2, Thủ tướng Cameron đã nhận được sự ủng hộ từ người đồng cấp Đức Angela Merkel khi bà cho rằng điều cần thiết trong EU là tập trung vào tính cạnh tranh, sự minh bạch và chống quan liêu. Bà Merkel nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia thành viên cần bảo vệ hệ thống xã hội của mình chống lại sự lạm dụng và lặp lại lập luận của Thủ tướng Cameron yêu cầu cắt giảm hỗ trợ xã hội.

Đòi hỏi này của phía Anh đã làm dấy lên sự phản đối tại Trung Âu và Đông Âu khi hàng trăm nghìn người tới Anh và được hưởng trợ cấp một khi họ ký hợp đồng lao động.

Dưới sức ép của những người theo trường phái hoài nghi châu Âu, Thủ tướng Cameron đã hứa sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc Anh ra đi hay ở lại trong EU. Điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới với quy mô lớn trong lúc toàn bộ châu Âu đang bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng thấy.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục