Trò chơi dân gian trên tuyến phố đi bộ Hà Nội

21:34' - 01/10/2016
BNEWS Vào mỗi cuối tuần, nhóm những bạn trẻ yêu Hà Nội (MyHanoi) lại tái hiện những trò chơi dân gian: Kéo co, ô ăn quan, nhảy dây… tại các tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Vào mỗi cuối tuần, nhóm những bạn trẻ yêu Hà Nội (MyHanoi) lại tái hiện những trò chơi dân gian: Kéo co, ô ăn quan, nhảy dây… tại các tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa hàng trăm du khách trở về tuổi thơ.

Chiều chủ nhật, tại nơi trông giữ xe trên đường Lý Thái Tổ (Hà Nội) xe máy, ô tô nối đuôi nhau xếp hàng dài.

Những vệt nắng vàng len qua từng tán cây lay lay theo gió. Tiếng cười nói lao xao của dòng người thong thả rảo bước trên phố đi bộ.

Một góc phố, có nhóm 5, 6 em nhỏ đá bóng, đi thêm chục bước là nhóm thanh niên đá cầu lông. Ngồi trên chiếc ghế đá cạnh tượng đài Lý Thái Tổ, chị Trần Thùy Linh (Tây Hồ, Hà Nội) vừa lau mồ hôi trên gương mặt đỏ bừng vì nóng của đứa con gái nhỏ, vừa chỉ về hướng sân chơi dưới chân tượng đài: “Con gái mình vừa chơi ở kia, mướt mải thế này. Khi nãy cả nhà cùng kéo co, đến mệt, nhưng hai bé nhà mình rất vui. Cứ ngỡ chỉ về quê chúng nó mới được đùa nghịch thỏa thích như thế”.
“Đặc sản” của phố đi bộ là những trò chơi dân gian truyền thống. Nhóm MyHanoi đã tái hiện những trò chơi dân gian: Kéo co, ô ăn quan, nhảy dây… đưa hàng trăm du khách trở về tuổi thơ. Xung quanh khu vực hồ Gươm, phía trước tượng đài cảm tử, từng nhóm người chia nhau ra chơi các trò chơi: Vài đội chơi kéo co, nhiều người chơi ô ăn quan, lại có người chọn trò chơi 5 người 2 dép… Tiếng cười nói, hò reo rộn vang.

Phía trước Tượng đài cảm tử, nhiều du khách chơi trò chơi ô ăn quan.
Bên cạnh Tháp Bút, tiếng cổ vũ làm náo động một góc phố vì những bước đi cà kheo khéo léo của một thanh niên. Đi độ hơn chục bước thì anh khựng lại, nhảy xuống đất trước lời thỉnh cầu muốn được đi thử của một em nhỏ. Anh ân cần hướng dẫn em nhỏ leo lên cà kheo: “Trò này chơi không dễ đâu nhé! Xem anh này!” Rồi thoăn thoắt leo lên, đi từng bước. Cà kheo là trò chơi truyền thống của Việt Nam nhưng đến nay không nhiều người biết cách chơi vì nó đã không còn phổ biến. Nhiều trò chơi khác cũng vậy.
Bạn Nguyễn Thị Thu - thành viên của nhóm MyHanoi (20 tuổi, sinh viên Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay những trò chơi truyền thống đang bị thay thế bởi những trò chơi của thời hiện đại như game trên điện thoại, trên internet…, và có khả năng sẽ bị biến mất trước sự lấn át của công nghệ. Sở dĩ chúng mình mang trò chơi dân gian vào phố đi bộ Hà Nội là để lưu giữ và phổ biến nó. Trẻ em Thủ đô rất thiếu không gian vui chơi, nhiều em đến đây mới biết chơi những trò chơi này và đều rất thích thú. Xa rời những chiếc tivi, ipad, các em thực sự được nô đùa trong tuổi thơ của mình”. Thu chia sẻ thêm, vì nhiều người không biết hoặc không còn nhớ cách chơi, MyHanoi luôn có những bạn tình nguyện viên sẵn sàng dạy và chơi cùng họ, sự nhiệt tình ấy kéo tất cả mọi người gần lại với nhau.
Chú Bùi Trường Thọ (Thành Công, Hà Nội) đưa tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm: “Tuyến phố đi bộ có từ mấy tuần nay rồi, nhưng bây giờ tôi mới đi cho biết. Thấy nhiều người đang xúm vào các trò chơi dân gian, đã mấy chục năm rồi tôi không thấy trò chơi ô ăn quan đấy…”. Bà Trần Thu Hương (Thành Công, Hà Nội) vợ ông Thọ tiếp lời: “Ông nhà tôi thấy hai đội đang chơi kéo co là đưa hết cả túi đồ, chai nước cho vợ cầm, khởi động chân tay để vào tham gia cùng lũ nhỏ. Vui lắm!”. Buổi chiều, ai nấy nô đùa quanh những trò chơi, cảnh tượng tựa như những khoảng sân nhỏ ở nơi vùng quê nào đó, náo động tiếng cười nói.
Không khí sôi động của những trò chơi dân gian thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách nước ngoài, các bạn trẻ biết ngoại ngữ nhiệt tình hướng dẫn họ cách chơi. Celie Frederic - một người đàn ông người Pháp, đang hào hứng tham gia trò chơi ô ăn quan, cho biết: “Gia đình tôi đã sinh sống ở Việt Nam gần 10 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết tới và được chơi các trò chơi dân gian của Việt Nam, đây thật sự là một trải nghiệm rất thú vị. Tôi rất ấn tượng với nền văn hóa của các bạn!”. Hiện Frederic đang làm thầy giáo của trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (Núi Trúc, Hà Nội).
Anh Ngô Quý Đức - Chủ nhiệm CLB MyHanoi tâm sự, dự định của anh trong thời gian tới là sẽ xây dựng CLB của mình thành một tổ chức, hoạt động phi lợi nhuận hướng tới lĩnh vực văn hóa, lịch sử. “Mang tới những giá trị tinh thần, khôi phục lại những giá trị văn hóa cũ. Đó là thứ mà mình và nhiều bạn trẻ khác đang nỗ lực tìm kiếm và hết sức trân trọng” - anh Đức tâm huyết chia sẻ.
“Mua mặt nạ đi chị! Mặt nạ 40.000 đồng, em có mặt nạ trắng để chị tự tô màu, trang trí” - em gái chừng 16 tuổi vui vẻ mời chào. Trước tượng đài, một sạp hàng nhỏ bán đầy những chiếc mặt nạ giấy bồi - loại mặt nạ truyền thống trong văn hóa dân gian của người Việt xưa. Hoàng Anh - thành viên của nhóm MyHanoi (18 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng) đang bán từng chiếc mặt nạ, tâm sự: “Thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm em chỉ mới 6 tuổi thôi, em ấy tham gia cùng mẹ. Chúng em đều chung niềm vui tạo ra niềm vui cho mọi người.
May mắn được sở Văn hóa, UBND quận Hoàn Kiếm bảo trợ, giúp đỡ nhưng về vấn đề tài chính đôi khi chúng em cũng gặp khó khăn”. Cô bé tìm trong chiếc túi nhỏ một chiếc card visit của MyHanoi, khoe: “Của nhóm chúng em đấy. Em mong nhóm em sẽ nhận được thêm sự giúp đỡ của các tổ chức, các đơn vị, giúp chúng em có thể mang niềm vui tới nhiều người hơn nữa. Gìn giữ văn hóa Hà Nội là nhiệm vụ của chúng em mà!” - Em cười hồn nhiên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục