Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong Liên hợp quốc

05:30' - 13/05/2017
BNEWS Dù khó xác định được lý do, nhưng có thể phỏng đoán rằng Trung Quốc muốn có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các cơ quan của Liên hợp quốc. Điển hình sự thay đổi này là trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình.
Trung Quốc đang có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các cơ quan của LHQ. Ảnh: TTXVN

Bài viết của nhà nghiên cứu Lisa Sharland - người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Quốc tế, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Australia - được đăng trên Diễn đàn của Viện mới đây cho rằng Trung Quốc đang có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ).

Về vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc muốn tìm kiếm một giải pháp tạm dừng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhưng vẫn duy trì chế độ ở Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cũng muốn một giải pháp dẫn đến việc giảm cam kết quân sự của Mỹ trong khu vực.

Các biện pháp trừng phạt tăng cường nhiều khả năng được đưa ra hơn là hành động quân sự. Mặc dù Mỹ chủ trì cuộc họp về Triều Tiên trong Hội đồng Bảo an (HĐBA), nhưng nước này đã phối hợp với Trung Quốc trước khi đưa ra bất kỳ dự thảo nghị quyết nào.

Vì vậy, lợi ích chiến lược của Trung Quốc được bảo đảm tốt nhất khi HĐBA tiếp tục quản lý cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc có lợi ích trong việc đảm nhận vai trò “kiến tạo” trong bất kì cuộc đàm phán nào được tổ chức.

Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cùng với việc bỏ phiếu ủng hộ Nga ngăn chặn các nỗ lực quốc tế giải quyết cuộc xung đột tại Syria cho thấy “trọng lượng” của Trung Quốc ở LHQ và trong việc cản trở duy trì trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc.

Trung Quốc không tham gia vào bất kỳ việc soạn thảo nghị quyết nào trong HĐBA mà chủ yếu dựa vào nhóm P3 (Mỹ, Anh và Pháp).

Trung Quốc cũng thường xuyên đứng về phía Nga trong các vấn đề có thể gây trở ngại chủ quyền quốc gia. Hai nước đã không thành công trong việc cản trở nỗ lực đưa tình hình nhân quyền của Triều Tiên vào chương trình nghị sự của HĐBA.

Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc không phải lúc nào cũng trùng khớp với Nga trong HĐBA. Nước này có lập trường khác biệt đáng chú ý trong việc Mỹ tấn công tên lửa vào Syria mới đây.

Thật bất ngờ khi Trung Quốc không chỉ trích hành động can thiệp vào chủ quyền của một quốc gia, cũng không tham gia cùng Nga bác bỏ nỗ lực đưa ra một nghị quyết lên án vụ tấn công vũ khí hóa học gần đây ở Syria.

Mặc dù khó xác định được lý do, nhưng có thể phỏng đoán rằng Trung Quốc muốn có ảnh hưởng ngày càng lớn với LHQ. Điển hình của sự thay đổi này là trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của LHQ.

Trung Quốc hiện là nước đóng góp lực lượng cảnh sát và quân đội cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ nhiều nhất trong nhóm P5, với hơn 2.500 nhân viên được triển khai trên 10 phái bộ gìn giữ hòa bình.

Mặc dù con số này đã giảm so với mức cao kỷ lục là hơn 3.000 nhân viên năm 2015, nhưng Trung Quốc vẫn đứng thứ 12 trong danh sách các nước đóng góp quân đội và cảnh sát.

Trong cuộc họp thượng đỉnh do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết nâng lực lượng tham gia hoạt động của LHQ lên 8.000 binh sĩ.

Năm 2016, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nước đóng góp tài chính lớn thứ hai cho ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ, hiện đóng góp 10,29% trong số 7,87 tỷ USD kinh phí. Giống như hầu hết các quốc gia, sự tham gia của Trung Quốc vào việc gìn giữ hòa bình của LHQ không phải là thuần túy.

Hầu hết lực lượng của nước này được triển khai ở châu Phi, nơi có sự chồng chéo đáng kể lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Nam Sudan - nơi Trung Quốc đầu tư vào các mỏ dầu - là nơi Trung Quốc triển khai nhiều binh sỹ nhất trong phái bộ của LHQ.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, Trung Quốc có vị trí ảnh hưởng đặc biệt trong tổ chức các hoạt động, trong đàm phán ngân sách. Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc được cho là quan tâm đến vị trí đứng đầu cơ quan gìn giữ hòa bình của LHQ hiện do Pháp nắm giữ, đồng thời gây ảnh hưởng đến chính sách gìn giữ hòa bình của LHQ.

Mong muốn gia tăng ảnh hưởng hơn nữa trong hệ thống các cơ quan LHQ của Trung Quốc ngày càng rõ. Bắc Kinh có khả năng chính trị, tài chính và hoạt động để thực hiện điều này. Khả năng này sẽ tăng lên nếu Mỹ, Anh và Pháp phải chịu áp lực chính trị tập trung vào mối quan ngại trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục