Trung Quốc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt về kinh tế

19:49' - 19/03/2018
BNEWS Trong thời điểm căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng và lo lắng về khối nợ lớn, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã phê chuẩn việc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt về kinh tế.
Tân Thống đốc ngân hàng nhân dân trung quốc (PBoC) Dịch Cương. Ảnh: Reuters

Trong thời điểm căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng và khối nợ lớn đang gây những quan ngại, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) ngày 19/3 đã phê chuẩn việc bổ nhiệm cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình là ông Lưu Hạc vào vị trí Phó Thủ tướng phụ trách các lĩnh vực kinh tế và tài chính, và đưa Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) Dịch Cương, lên đảm nhiệm vị trí Thống đốc ngân hàng này, thay ông Chu Tiểu Xuyên.
Quyết định thông qua việc bổ nhiệm ông Lưu Hạc được đưa ra đúng vào lúc Mỹ hối thúc Trung Quốc giảm mức thặng dư thương mại với nước này 100 tỷ USD. Ông Lưu Hạc đã tới Washington đầu tháng này và có cuộc gặp với các quan chức Mỹ tại Nhà Trắng nhưng chuyến thăm đã không ngăn cản được Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cân nhắc các biện pháp thương mại mới nhằm vào Trung Quốc.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, ông Dịch Cương nói nhiệm vụ quan trọng nhất là thực hiện một chính sách tiền tệ ổn định, trong khi thúc đẩy cải cách và mở cửa, nhưng duy trì sự ổn định về tài chính. Tại PBoC, ông Dịch Cương kêu gọi cho phép các nhà đầu tư tăng cường sự tiếp cận thị trường và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ hơn nữa.

Tại cuộc họp báo trước đó trong thời gian diễn ra kỳ họp thường niên của Quốc hội, ông Dịch Cương cho biết PBoC sẽ nỗ lực thúc đẩy các cải cách mà nhờ đó các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ được đối xử công bằng. Trong bài viết trên tờ Caixin đầu năm nay, ông Dịch Cương đã hối thúc việc tăng cường cải cách đồng nhân dân tệ sau khi đồng tiền này đã được phép dao động trong một biên độ do PBoC đặt ra. Lo ngại lớn nhất của ông sẽ là khối nợ đang gia tăng của Trung Quốc, với tốc độ mà giới phân tích cho rằng đã gây ra khủng hoảng tài chính ở những nước khác.
Mối quan hệ với Mỹ cũng là thách thức đầu tiên mà ông Lưu Hạc và Dịch Cương có thể phải đối mặt. Chính quyền của Tổng thống Mỹ được cho là sẽ áp các mức thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong những tháng tới, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ nâng lãi suất khi đà phục hồi của nền kinh tế này được duy trì. Cả hai chính sách này sẽ tác động đến Trung Quốc và có thể khiến PBoC có những phản ứng.
Ông Lưu Hạc có bằng Thạc sỹ quản trị công ở trường Kennedy School of Goverment tại Đại học Harvard, là Chánh Văn phòng Ban điều hành các vấn đề kinh tế và tài chính, Thứ trưởng phụ trách Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc.
Là một nhà cải cách kinh tế, ông Dịch Cương học tại Mỹ, có bằng Tiến sỹ kinh tế tại University of Illinois và sau đó giảng dạy tại Indiana University, trước khi trở về Trung Quốc, làm việc tại Đại học Bắc Kinh. Ông bắt đầu làm việc cho PBoC vào năm 1997.
Trung Quốc đang chịu sức ép trong việc kiểm soát nợ, xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ và châu Âu, đồng thời nâng cao năng suất của nền kinh tế. Nước này đã cam kết mở cửa thêm các ngành công nghiệp cho các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài vào cạnh tranh.
Khối nợ gia tăng mạnh của Trung Quốc đã khiến các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế hạ bậc tín nhiệm của nước này trong năm ngoái. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố coi việc kiểm soát rủi ro tài chính là ưu tiên trong năm nay./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục