Trung Quốc chỉ đạo giữ vững vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp quốc doanh

11:06' - 03/11/2017
BNEWS Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chỉ thị về cải cách sâu rộng các doanh nghiệp quốc doanh liên quan đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty có vốn 100% nhà nước.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX) ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ năm 1978, Trung Quốc đã tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế đất nước, bắt đầu từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ nông thôn đến thành thị, trong đó cải cách doanh nghiệp quốc doanh là trọng tâm trong công cuộc cải cách mở cửa đất nước.

Trong suốt quá trình cải cách, mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc luôn coi cải cách doanh nghiệp nhà nước là khâu trọng tâm của cải cách.

Nhu cầu cấp bách

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc vẫn giữ một vai trò chủ đạo, nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực kinh tế tư nhân, từ tài chính đến chính sách bảo hộ.

Tuy vậy, hiện nay khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do đầu tư cũng như xuất khẩu sụt giảm - hai lĩnh vực do các doanh nghiệp quốc doanh chiếm ưu thế thì sự yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước càng lộ rõ và càng có nhu cầu cấp bách cần phải cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chỉ thị về cải cách sâu rộng các doanh nghiệp quốc doanh liên quan đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty có vốn 100% nhà nước. Theo các nhà phân tích, đợt cải cách lần này sẽ là một bước đi quan trọng nhằm loại bỏ dần một số doanh nghiệp quốc doanh cũ và có thể tạo thêm hàng trăm công ty thuộc sở hữu nhà nước khác.

Nhà kinh tế Claire Huang thuộc ngân hàng Socíeté Générale tại Đặc khu hành chính Hong Kong nhận định, trong đợt cải cách này sẽ có “nhiều cuộc sáp nhập, mua cổ phần của các công ty quốc doanh để hình thành những tập đoàn nhà nước lớn hơn, mạnh hơn”.

Tuy vậy, chủ trương này chưa thể có tác dụng tích cực ngay đến nền kinh tế và vấn đề cơ bản là cần phải cải thiện được hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh dù rằng điều này sẽ mất không ít thời gian.

Có thể thấy cải cách doanh nghiệp nhà nước đang trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc. Sau gần 40 năm cải cách, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng “quá nóng”, tạo ra những doanh nghiệp quốc doanh “cồng kềnh”, nợ nhiều, hoạt động thiếu hiệu quả, tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tăng trưởng chậm lại chút ít đúng như dự kiến trong quý III/2017, do tác động của những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế thị trường bất động sản trong nước tăng nóng và các rủi ro về nợ.

Cụ thể, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2017 tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016, phù hợp với kết quả một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters thực hiện. Số liệu này thấp hơn mức tăng trưởng 6,9% trong quý II/2017 của kinh tế Trung Quốc.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2017, thấp hơn mục tiêu tăng 6,5-7% đặt ra cho năm 2016.

Đây là mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm trở lại đây. Còn theo số liệu thống kê chính thức, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% năm 2016, mức tăng trưởng thấp nhất trong 26 năm qua.

Quyết tâm cải cách

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng việc cải tổ khu vực kinh tế nhà nước là điều kiện tiên quyết và cực kỳ quan trọng để chấm dứt gánh nặng nợ công, tái định hình nền kinh tế.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng cần phát triển mạnh mẽ, chất lượng cao một cách quyết liệt. Trung Quốc cần sớm thu được thành quả mới trong các lĩnh vực trọng điểm và khâu then chốt trong công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng và ban hành các phương án cải cách nhằm thúc đẩy tái cơ cấu và hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc hướng tới xây dựng hàng loạt các công ty đa quốc gia có sức cạnh tranh cao, thành lập liên minh chiến lược ngành nghề…, nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới xoay quanh các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược như mạng Internet, công nghệ thông tin v.v...

Chính phủ Trung Quốc cho biết trong thời gian tới sẽ thúc đẩy điều chỉnh kết cấu, phát triển sáng tạo, làm cho các doanh nghiệp quốc doanh phát huy vai trò “đầu tàu”. Trung Quốc cho rằng cải cách doanh nghiệp nhà nước đã bước vào giai đoạn tăng tốc. Trong đó, cải cách “chế độ sở hữu hỗn hợp sẽ là khâu đột phá để giữ và tăng giá trị tài sản nhà nước một cách tốt hơn, nâng cao sức sống và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc doanh”.

Chính phủ Trung Quốc quyết tâm cải cách những doanh nghiệp quốc doanh trong tình trạng dư công suất, giảm nạn thừa cung, ít nhất trong các ngành như xi măng, thủy tinh, đóng tàu, khai thác khoáng sản, luyện kim…

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc đề ra mục tiêu hàng đầu là tái cấu trúc nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này, chuyển từ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sang tập trung phát triển các ngành dịch vụ, phục vụ cho hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng trong nước.

Hiện tại, Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp cải cách doanh nghiệp quốc doanh như sáp nhập, tái cơ cấu, tái cấu trúc nợ, thanh lý, hợp nhất doanh nghiệp quốc doanh, cổ phần hóa, đặc biệt đề cao vai trò của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Quốc doanh (SASAC) trong cải cách doanh nghiệp quốc doanh, thực hiện thí điểm “quyền sở hữu hỗn hợp” thông qua việc bán cổ phần với tỷ lệ thích hợp…

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang cho thấy sự quyết liệt trong việc điều hành nền kinh tế. Số liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy nhiều doanh nghiệp quốc doanh đã được tái cơ cấu. Chuyên gia kinh tế Lu Zhengwei, thuộc Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc, cho biết việc tái cơ cấu sẽ giúp thu hút các các nhà đầu tư tư nhân dưới hình thức sở hữu hỗn hợp.

Theo Tân Hoa Xã, kế hoạch cải tổ doanh nghiệp quốc doanh là một biện pháp cần thiết để “nâng cao hiệu quả” của các tập đoàn và doanh nghiệp, từ đó tạo ra sức mạnh cho nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững.

Chính phủ Trung Quốc cho biết có thể sáp nhập các tập đoàn nhà nước để hình thành các đại tập đoàn trong những lĩnh vực “mũi nhọn”. Trung Quốc đề ra mục tiêu vào năm 2020, các tập đoàn nhà nước trong các lĩnh vực then chốt phải mang lại những thành tựu kinh tế-xã hội thiết thực.

>>>Trung Quốc: Thử nghiệm thành công máy bay chạy điện đầu tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục