Trung Quốc - Chủ nợ lớn của châu Phi

07:32' - 23/06/2016
BNEWS Theo nhật báo Pháp Les Echos, Trung Quốc giờ là đối tác kinh tế quan trọng của châu Phi, là “hầu bao” lớn cho nhiều dự án quan trọng của "lục địa đen”, nhưng đây lại là sự lệ thuộc đáng quan ngại.
Trung Quốc - Chủ nợ lớn của châu Phi. Ảnh: reuters

Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Benoit Koukebene, cựu Bộ trưởng Dầu khí CHDC Congo (Công-gô), cho biết đất nước này giờ gần như "nằm trong tay" Trung Quốc.

Ông Koukebene cũng không đánh giá cao công tác quản lý đất nước của Chính phủ Congo khi đã đem “thế chấp” nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước để đổi lấy những món tiền vay đắt đỏ từ Trung Quốc.

Đối với vị cựu Bộ trưởng này, đây là một kiểu hệ thống vay nguy hiểm bởi một phần sản lượng dầu khí của CHDC Congo sẽ được đem đi gán nợ cho Trung Quốc.

Congo không phải là trường hợp duy nhất tại châu Phi. Tại “ lục địa đen”, Trung Quốc đã công khai áp dụng phương thức cho các nước ở đây vay tiền để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nhưng lại do chính các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện.

Đổi lại, sẽ được trả nợ bằng cách lấy đi nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước này.

Nhận định về việc này, ông Rémy Rioux, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), cho biết chi phí vay vốn từ Trung Quốc đắt hơn đi vay từ các định chế đa phương khác trong khi các điều khoản vay bị ràng buộc với những hợp đồng dài hạn trên phương diện khai thác nguyên nhiên liệu, đôi khi còn không mấy minh bạch.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể trở thành chủ nợ của nhiều nước châu Phi bởi rủi ro tái nợ là rất cao, nhất là đối với những nước chuyên xuất khẩu dầu khí.

Các nước này phải đối mặt với tình trạng kinh tế Trung Quốc trì trệ, tăng trưởng tại châu Âu thấp và giá nguyên nhiên liệu trên thị trường giảm.

Tất cả các nhân tố này đều có nguy cơ tác động đến khả năng hoàn nợ của những nước này.

Tình trạng tái nợ còn được giải thích một phần bởi việc các nước trên phải bỏ ra một khoản chi phí lớn trang trải cho việc trang bị vũ khí nhằm bảo vệ an ninh trong nước.

Bên cạnh đó còn là việc đồng nội tệ mất giá. Hậu quả kéo theo là tăng trưởng kinh tế tại châu Phi hiện giảm còn 3%, thay vì mức 6,8% trong giai đoạn 2004-2008.

Mức tăng trưởng này được đánh giá là quá yếu so với tốc độ tăng trưởng dân số hiện đang ở mức cao của châu Phi, mà theo ước tính, đến năm 2020 dân số tại “ lục địa đen” sẽ vượt ngưỡng 2 tỷ người so với con số 1,2 tỷ người hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục