Trung Quốc cơ cấu lại vốn trong nền kinh tế

14:18' - 13/05/2016
BNEWS Bắc Kinh giờ không còn muốn “hao tiền tốn của” vào các ngành dư thừa công suất, thay vào đó, tập trung đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Trung Quốc tái cơ cấu vốn trong nền kinh tế. Ảnh minh họa: Reuters

Đây được coi là một trong những thay đổi trong chính sách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và ngập trong nợ nần không phải là ít.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới đây công bố số liệu cho thấy đầu tư của Chính phủ vào các ngành công nghiệp dư thừa công suất kéo dài đã giảm dần. Quý I năm nay ghi nhận lượng tiền Bắc Kinh đổ vào lĩnh vực khai mỏ giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái – mức giảm mạnh nhất kể từ quý II/2004.

Trong khi đó, đầu tư của chính phủ vào ngành chế tạo trong ba tháng đầu năm nay cũng chỉ tăng mức 6% - mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ.

Trái ngược với xu hướng trên, trong quý I/2016 vốn đầu tư của Bắc Kinh vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản đã tăng lần lượt 19,6% và 6,2%, cho thấy Bắc Kinh đang kiên định với chiến lược tái cơ cấu vốn trong nền kinh tế của mình.

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc còn cho biết sẽ đầu tư 11,9 tỷ USD cho hạ tầng ngành hàng không trong năm nay. Trước đó, Bắc Kinh cũng vừa thông qua khoản đầu tư trị giá 4,11 tỷ USD vào dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối một sân bay mới tại thủ đô Bắc Kinh với tỉnh Hà Bắc.

Về tình trạng dư thừa công suất trong ngành thép, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang mới đây cho biết Trung Quốc đã ưu tiên giảm công suất ngành thép và là nước duy nhất áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Trung Quốc là quốc gia có sản lượng thép chiếm hơn 50% sản lượng toàn thế giới và đã sản xuất khối lượng thép cao kỷ lục trong tháng Ba.

Với việc Bắc Kinh đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài trong nhiều năm trở lại đây, hiện Trung Quốc đang bị cáo buộc đã “làm ngập” thị trường thép toàn cầu, với giá bán rẻ hơn chi phí sản xuất và vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục