Trung Quốc điều tra chống bán phá giá phenol nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản

11:43' - 26/03/2018
BNEWS Bộ Thương mại Trung Quốc đã mở cuộc điều tra về chống bán phá giá đối với nguyên liệu phenol nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 26/3 cho biết đã mở cuộc điều tra về chống bán phá giá đối với mặt hàng phenol (nguyên liệu dùng để điều chế nhựa, chất diệt cỏ dại, nấm mốc,...) nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiến tới điều tra chống bán phá giá đối với phenol nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Thái Lan.

Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng leo thang. Hai nước này vốn là những đối tác thương mại có quan hệ mật thiết kể từ khi Trung Quốc tham gia hệ thống thương mại toàn cầu gần 20 năm trước.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang thị trường Trung Quốc tăng 9,8% so với năm 2016 lên 186,8 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 9,3% lên 524 tỷ USD, qua đó đưa thâm hụt thương mại lên đến 337,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 67,4 tỷ USD ghi nhận năm 1999.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nước nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất, khi trong tháng 1/2018, lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Bắc Kinh nắm giữ lên đến hơn 1.200 tỷ USD, chiếm 20% tổng lượng trái phiếu mà các thể chế tài chính nước ngoài nắm giữ.

Ngày 25/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin tuyên bố Tổng thống Donald Trump không có ý định rút lại kế hoạch áp gói thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cũng không ngại một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bất chấp sự đe dọa trả đũa của Bắc Kinh. Bộ trưởng Mnuchin khẳng định Tổng thống D.Trump sẽ đánh thuế nhằm vào các lĩnh vực của Trung Quốc mà Mỹ cho là đã "ăn cắp" công nghệ của Mỹ, trừ khi đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh.

Báo Les Echos nhận định, nếu nổ ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế của Mỹ sẽ có bốn lĩnh vực phải “chịu trận”, là các siêu thị và dây chuyền phân phối, ngành vải sợi, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất đồ chơi. Năm 2015, 90% đồ chơi bán ra trên thị trường Mỹ đều được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục