Trung Quốc gia tăng sự can dự tại Đông Âu

05:30' - 04/10/2017
BNEWS Tạp chí National Interest mới đây đăng bài viết phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Âu cũng như mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Thế cân bằng địa chính trị Nga - Mỹ giúp Trung Quốc có được quyền kiểm soát các thành phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng năng lượng tại Đông Âu. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tác giả Mark Pfeifle - Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng sức mạnh quân sự và kinh tế tại Đông Âu - khu vực quan trọng đối với địa chính trị và thương mại của Mỹ.

Bắc Kinh đã giành được tầm ảnh hưởng quan trọng tại cảng Piraeus ở Hy Lạp. Nước này cũng đang nỗ lực để có được những thành quả ở Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, trong đó có cả những hợp đồng xây dựng trạm năng lượng hạt nhân.

Tại Bulgaria, khi bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ, bà đã cố gắng ngăn chặn một hợp đồng của Bulgaria với công ty Nhà nước của Nga chuyên làm giàu urani là Rosatom. Sau đó, công ty Rosatom đã kiện Bulgaria ra tòa và giành phần thắng, Bulgaria phải bồi thường 660 triệu USD - một khoản tiền lớn đối với một quốc gia nhỏ.

Để bù đắp những tổn thất, Bulgaria đã lựa chọn tư nhân hóa dự án đó. Đến nay, hành động của Mỹ lại tạo điều kiện cho Trung Quốc thế chân Nga trong việc xây dựng một dự án hạt nhân mới ở thị trấn Belene của Bulgaria.

Theo giới truyền thông, Trung Quốc đang thương lượng giá và có khả năng giành được dự án. Nếu Trung Quốc thành công, các công ty chuyên về hạt nhân của Nhà nước Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn cơ sở hạt nhân mới ở Bulgaria với các thiết bị do Nga sản xuất.

Không giống như Nga thường dựa vào các khoản vay liên chính phủ để tài trợ cho việc xây dựng nhưng trao quyền quản lý cho chính quyền địa phương đối với các chương trình phát triển hạt nhân, Trung Quốc lại yêu cầu sự công bằng và quyền quản lý hoạt động.

Kết quả là Trung Quốc được trao quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng, mà trong trường hợp này là một cơ sở hạt nhân lớn ở một quốc gia từng nằm trong khối Xô Viết. Điều này mang đến cho Trung Quốc tầm ảnh hưởng đối với khu vực này.

Một tình thế tương tự đang xảy ra ở Ba Lan - nơi Trung Quốc đã có những hợp đồng xây dựng trạm năng lượng hạt nhân mà lẽ ra do Mỹ xây dựng.

Nền công nghiệp hạt nhân của Mỹ đang bị tàn phá, với việc công ty Westinghouse đang ở trong tình trạng phá sản, trong khi công ty General Electric không thể tăng vốn cho các lò phản ứng tại các nước phát triển. Trái lại, Trung Quốc đang có đầy tiền mà nguồn tiền này chủ yếu có được nhờ hoạt động thương mại với Mỹ.

Điều đang diễn ra ở đây là Trung Quốc lợi dụng thế cân bằng về địa chính trị giữa Nga và Mỹ để có được quyền kiểm soát và sở hữu đối với các thành phần quan trọng trong các cơ sở hạ tầng năng lượng tại Đông Âu.

Chiến thuật này mang đến cho Trung Quốc "một vành đai năng lượng" mở rộng từ Baltic đến Biển Đen. Trung Quốc đã giành được quyền điều hành với nhiều bộ phận quan trọng trong cơ sở hạ tầng ở Bulgaria, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Theo tác giả bài viết, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của cả hai đảng tại Mỹ cần phải chú ý tới thực trạng này. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đương nhiệm Mike Pompeo và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama - ông Ben Rhodes -  đều coi Bắc Kinh là mối đe dọa lớn hơn so với Moskva.

Nhà Trắng phải ngay lập tức bổ nhiệm các chuyên gia về châu Á và châu Âu vào các chỗ trống trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Những chuyên gia này cần phải xem xét ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Đông Âu.

Chính sách của Mỹ cần phải đa dạng hơn, cần chuyển từ chính sách ngăn chặn sang chiến lược chấp nhận các dự án của Nga, miễn là các dự án này không có hại cho nền an ninh năng lượng của châu Âu và các mối lo ngại về an ninh của Mỹ.

Ví dụ, Mỹ cần phải từ chối đề nghị của Litva về việc dừng hợp tác với Nga trong việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tương tự như nhà máy mà Nga đã xây dựng ở Belarus. Hiện nay, các lò phản ứng hạt nhân của Nga đều được sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của nước này.

Thiết kế của các lò phản ứng này có tiêu chuẩn an toàn cao nhất so với các loại thiết kế khác và điều này đã được các cơ quan chuyên môn từ hơn 12 quốc gia, trong đó có Phần Lan, công nhận. Nếu Litva từ chối dự án của Nga, Trung Quốc sẽ tranh thủ cơ hội này.

Do đó, Mỹ cần phải làm cho Litva hiểu rằng các mối lo ngại về mức độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế không quan trọng bằng những nguy cơ địa chính trị hiện nay mà Trung Quốc gây ra đối với khu vực Đông Âu.

Bài viết kết luận rằng ván cờ địa chính trị cần người chơi phải lên kế hoạch không chỉ một bước mà còn phải tính trước hai, ba hoặc thậm chí nhiều bước. Trong đó, người chơi phải xem xét khía cạnh đa chiều của chiến lược kinh tế, địa chính trị và quân sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục