Trung Quốc hạ giá đồng NDT để tăng lợi thế xuất khẩu?

15:42' - 20/08/2015
BNEWS Số liệu kinh tế xấu đi được cho là nguyên nhân khiến Trung Quốc quyết định chủ động điều chỉnh tỷ giá đồng NDT.

Ngày 11/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu của đồng NDT khoảng 1,86% xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua. Theo đó, PBoC đã ấn định tỷ giá của đồng NDT ở mức 6,2298 NDT/USD từ 6,1162 NDT/USD của ngày 10/8. Sang ngày 12/8, PBoC tiếp tục điều chỉnh tỷ giá xuống 6,3306 NDT/USD.

Ảnh minh họa. Ảnh: THX/TTXVN

Về mặt chính thức, PBoC tránh dùng từ “hạ giá”, mà khẳng định muốn để cho thị trường đóng nhiều vai trò hơn trong việc xác định tỷ giá đồng NDT, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế -tài chính thế giới phức tạp, kinh tế Mỹ đang trong quá trình phục hồi.

Về nguyên tắc, tỷ giá hối đoái của đồng NDT được thay đổi với biên độ dao động ± 2%. Tuy nhiên, trên thực tế từ nhiều tháng nay, tỷ giá NDT thay đổi không đáng kể với biên độ chưa tới 0,4% so với mức quy định.

Trong năm nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất, khiến đồng USD tiếp tục tăng giá trị. Trong khi đó, đồng euro và yen Nhật có chiều hướng giảm giá, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi mất giá, dòng vốn quốc tế có nhiều biến động.

Theo nhiều nhà quan sát, mục tiêu hàng đầu của quyết định nói trên là nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu Trung Quốc. Cuối tuần qua, số liệu xuất khẩu của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiếp tục đà giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng Bảy giảm 8,3% xuống 195,10 tỷ USD. Bên cạnh đó, các chỉ dấu kinh tế quan trọng như Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) và nhất là Chỉ số giá sản xuất (PPI) đều giảm rất mạnh (PPI giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009, PMI thấp nhất từ hai năm nay).

Số liệu kinh tế xấu đi được cho là nguyên nhân khiến chính phủ nước này quyết định chủ động điều chỉnh tỷ giá đồng NDT. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích, để vực dậy nền kinh tế, nước này cần đẩy mạnh sức mua và không thể không trở về lối mòn, đó là mở rộng xuất khẩu. Đồng NDT được định giá quá cao so với thực tế càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngoại thương của Trung Quốc. Để trở về với đúng thực trạng kinh tế tài chính cách đây 6 đến 12 tháng, đồng NDT cần tiếp tục giảm 10%-15%.

Mặt khác, sau hơn 10 năm hưởng lợi từ việc giá trị đồng NDT tăng, giới doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các khoản vay nước ngoài tăng thêm 10 tỷ USD. Hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc đang nợ nước ngoài khoảng 529 tỷ USD, với việc Trung Quốc hạ tỷ giá đồng NDT gần 2%, tổng trị giá mà doanh nghiệp nước này phải trả sẽ tăng thêm 10 tỷ USD, hơn nữa còn tăng giá thành kinh doanh của doanh nghiệp khi bắt buộc phải đổi đồng NDT ra loại tiền tệ khác để thanh toán lãi.

Động thái điều chỉnh tỷ giá rõ ràng là đòn giáng mạnh lên các công ty vay vốn nước ngoài, nhất là giới kinh doanh bất động sản lâu nay vẫn phụ thuộc vào các khoản vay từ nước ngoài.

Sự thay đổi chính sách tỷ giá của Trung Quốc đã khiến cả thị trường tiền tệ châu Á biến động, trong đó đồng SGD của Singapore và đồng won của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,6% và 1,2%. Đồng thời thị trường chứng khoán châu Á cũng theo đà sụt giảm. Ngân hàng Societe Generale đưa ra dự báo, tiền tệ của các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục mất giá một thời gian dài sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên dự kiến vào tháng Chín tới.

Theo phân tích, có 8 nhóm người chịu ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tỷ giá đồng NDT, đó là các nhà đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, du học, mua hàng nước ngoài, du lịch nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu lớn, doanh nghiệp sử dụng nhiều đồng NDT và người nước ngoài đến đầu tư thu lợi tại Trung Quốc.

Việc đồng NDT xuống giá được dự báo là sẽ có ảnh hưởng tiêu cực trước mắt đến giá nguyên liệu, làm suy yếu khả năng nhập khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc (kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy cũng đã giảm 8,1% xuống 152,07 tỷ USD). Mục tiêu của việc hạ giá đồng NDT cũng là để tránh cho Trung Quốc nguy cơ rơi vào giảm phát, trong bối cảnh giá nguyên liệu rớt mạnh.

Theo một chuyên gia tài chính đại học Thượng Hải, động thái này của PBoC chắn chắn sẽ khiến Washington phản ứng mạnh. Hoa Kỳ thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh giữ giá đồng NDT ở mức thấp để thúc đẩy xuất khẩu. Theo nhà kinh tế Tom Orlik từ Bloomberg Intelligence, tỷ giá đồng  NDT giảm 1% tương đương xuất khẩu tăng 1%. Mặt trái của biện pháp này là khuyến khích xu thế thoái vốn khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, như nhà kinh tế Zhou Hao từ Commerzbank (Singapore), việc đột ngột điều chỉnh giảm tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc không nhằm thúc đẩy xuất khẩu, mà chủ yếu để đánh tiếng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về mong muốn của Bắc Kinh đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ tạo thành tài sản dự trữ quốc tế của IMF, hay quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Trong một báo cáo mới đây, IMF cho rằng việc xem xét này có thể sẽ được lùi đến ngày 30/9/2016 vì các cải cách của Trung Quốc trên thị trường hối đoái cho đến nay là chưa đủ.

Chuyên gia kinh tế Nhật Bản Masafumi Yamamoto từ công ty Monex (Tokyo), lo ngại việc Bắc Kinh can thiệp mạnh vào đồng tiền có khả năng châm ngòi cho một cuộc “đua tranh hạ giá đồng tiền” tại châu Á. Nhận định này là ngược với ghi nhận của một số kinh tế gia khác về xu hướng cải cách của Trung Quốc ít can thiệp hơn vào thị trường hối đoái.

Thời gian qua thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh gây sự chú ý toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp cứu thị trường, nới lỏng tối đa các chính sách tiền tệ, song chưa thể ngăn đà tụt dốc, một trong những nguyên nhân sâu sa là thị trường thiếu niềm tin đối với nền kinh tế đi xuống lâu nay của Trung Quốc, thị trường chứng khoán phát triển mà không có nền tảng kinh tế nào, chỉ tạo ra thị trường tăng "ảo" nhờ tính thanh khoản tràn lan, thiếu động lực tăng trưởng lâu dài.

Tường Thu (tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục