Trung Quốc - Khởi nguồn cho những bất ổn tài chính toàn cầu?

16:40' - 25/08/2015
BNEWS Tại phiên giao dịch ngày 24/8, chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite) đã giảm mạnh 8,5%. Xu hướng tiêu cực này lan sang các thị trường tài chính trên toàn thế giới.

Ngày 24/8, trang tin New York Times đã đăng bài của tác giả Neil Irwin phân tích về những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Theo bài báo, tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu đã một phen chao đảo và dường như điều này chỉ thực sự quan trọng đối với các nhà kinh doanh dầu, quan chức Trung Quốc hoặc các nhà quản lý quỹ đầu tư. Tuy nhiên giờ đây, tình hình này bắt đầu làm cho mọi người lo lắng.

Tại phiên giao dịch ngày 24/8, chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite) đã giảm mạnh 8,5% và xu hướng tiêu cực này đã lan sang các thị trường tài chính trên toàn thế giới.

Khoảng 812 tỷ USD đã bị “bốc hơi” tại Phố Wall, biến ngày đầu tuần 24/8 thành một “ngày đen tối nhất” đối với các cổ phiếu chủ lực tại thị trường chứng Mỹ.

Nguyên nhân chủ yếu gây hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới trong ngày 24/8 là từ các mối lo ngại ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư về thực trạng và viễn cảnh không mấy sáng sủa từ nền kinh tế Trung Quốc.


Chỉ số chứng khoán trên bảng điện tử tại sàn giao dịch chứng khoán ở Hải khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN.

Bất ổn bắt đầu từ Trung Quốc 

Chỉ số Shanghai Composite đã mất 38% kể từ ngày 12/6, và đây thực sự là một con số không nhỏ. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng hiện vẫn còn quá sớm để đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải nền kinh tế khổng lồ này đang phải vật lộn với một quá trình chuyển đổi từ sự bùng nổ đầu tư và xuất khẩu sang một cái gì đó bền vững hơn?

Nếu dựa vào các thực tế gây ra những vấn đề tại Trung Quốc để giải thích cho những bất ổn tại các thị trường thế giới là chưa thuyết phục. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh trong một năm qua, khi hàng triệu người dân thuộc tầng lớp trung lưu nước này đầu tư vào đây. Ngay cả khi giảm mạnh vào mùa Hè năm nay, Shanghai Composite cũng vẫn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2014.

Có thể có một câu trả lời phức tạp hơn cho câu hỏi tại sao đà giảm mạnh tại thị trường chứng khoán Trung Quốc lại gây ra những đợt sóng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu?

Thực tế là Chính phủ Trung Quốc đã rút bỏ các bước mà họ đã áp dụng nhằm cố gắng duy trì thị trường chứng khoán không bị bán tháo. Và với hành động này, họ có thể ngụ ý rằng Trung Quốc đã hạn chế áp dụng những biện pháp can thiệp mặc dù họ có thể.
Các thị trường mới nổi khác bị ảnh hưởng

Một số bằng chứng quan trọng cho thấy câu chuyện này không còn là của riêng Trung Quốc, các thị trường mới nổi khác, từ Malaysia (Ma-lai-xi-a) đến Mexico (Mê-hi-cô) đều có sự bất ổn.

Đồng tiền của họ và giá cổ phiếu và trái phiếu đã giảm mạnh so với tuần trước. Sự bất ổn tại một số thị trường mới nổi này rất có thể chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng nếu chỉ vậy thôi có lẽ chưa đủ.

Những bất ổn bắt đầu nổi lên từ tháng 6/2013. Thị trường tài chính toàn cầu đã bắt đầu bối rối khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần chương trình nới lỏng định lượng – cụ thể hơn, đó là việc Fed giảm bơm tiền vào hệ thống tài chính. Sự kiện thứ hai tương tự như biến động trong tháng 10/2014, đó là khi dự định tăng lãi suất vào năm 2015 của Fed đã trở nên rõ ràng hơn.

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed khiến các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm các chứng khoán có lãi cao, và họ đã tìm thấy cơ hội tại nhiều thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Từ năm 2010 đến năm 2013, họ đã đổ tiền vào những nước này để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Tuy nhiên, khi sự kết thúc của kỷ nguyên đồng USD rẻ đang đến gần, những đồng tiền đầu tư nóng này được rút ra, điều này tạo ra sự bất ổn trong lãi suất và gây thiệt hại cho các nền kinh tế mới nổi.


Giá dầu giảm sâu

Sự bất ổn tại các thị trường tài chính đã có tác động đặc biệt lớn đối với giá của các mặt hàng, bao gồm cả dầu mỏ, mặt hàng quan trọng xét dưới góc độ kinh tế. 

Giá của mỗi thùng dầu đã giảm từ mức khoảng 60 USD/thùng vào cuối tháng Sáu xuống dưới 40 USD/thùng vào hôm 24/8. Đó là tin tốt cho người tiêu dùng năng lượng Mỹ và châu Âu, nhưng có thể sẽ có những tác động ngược gây ra tình trạng bán tháo hàng hóa. Và cả hai thực tế này có thể gây ra tình trạng rối loạn hơn tại các thị trường mới nổi. 

Khi giá dầu bắt đầu giảm mạnh trong sáu tháng cuối năm ngoái, đã có dự báo rằng xu hướng giảm giá sẽ dẫn đến hoạt động khai thác dầu sẽ giảm đi trên toàn thế giới để giữ cho thị trường được cân bằng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu Mỹ vẫn duy trì sản lượng, giữ nguồn cung cao mặc cho giá thấp hơn.

Hữu Hoàng (P/v TTXVN tại New York)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục