Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế

15:51' - 20/08/2015
BNEWS Trung Quốc đã bơm gần 100 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của họ vào hai ngân hàng chính sách. Đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế tăng trưởng.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC - ngân hàng trung ương) vừa cho biết tháng trước họ đã bơm 48 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và 45 tỷ USD cho Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc.

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh (Nguồn: TTXVN)

Biện pháp trên nhằm nâng mức vốn của hai định chế tài chính chuyên trách việc thực hiện các chính sách của chính phủ, để qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng được đề ra cho năm nay là 7%, mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ qua, cũng khó có thể đạt được.

Ngày 19/8, PBoC đã bơm thêm 110 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 17 tỷ USD, vào thị trường tiền tệ thông qua các khoản cho vay trung hạn (MLF) nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

PboC cho biết đã rót số tiền trên cho 14 tổ chức tài chính với thời hạn sử dụng 6 tháng và lãi suất chỉ 3,35%. Đây là động thái nhằm duy trì khả năng thanh khoản tốt trong hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến khích các ngân hàng sử dụng khoản tiền này để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các mắt xích yếu của nền kinh tế.

Trước đó một ngày, PBoC cũng đã "bơm" 120 tỷ NDT (18 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ thông qua các hoạt động thị trường mở. Đây là lần bơm tiền theo hình thức mua lại các hợp đồng đáo hạn lớn nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 1/2014.

Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng (Nguồn: TTXVN)

PboC trong những tháng qua đã thi hành nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ như bốn lần hạ lãi suất từ tháng 11 đến nay và nhiều lần giảm tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để khuyến khích cho vay nhiều hơn. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn.

Theo nhận định của một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc thuộc Barclays Capital, những biện pháp nói trên không giúp kích thích nền kinh tế thực mà chỉ làm "căng phồng" các thị trường chứng khoán.

Chỉ trong vòng một năm, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã tăng đến 150%, vì các nhà đầu tư được khuyến khích vay thêm tiền để mua cổ phiếu. Nhưng với nền kinh tế thực đang tăng trưởng chậm lại, không khí hồ hởi trên thị trường đã chấm dứt từ giữa tháng Sáu.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục