Trung thu 2016: Đội múa lân của người thầy dạy võ

11:19' - 15/09/2016
BNEWS Từ xa xưa, múa lân – sư – rồng là một môn nghệ thuật dân gian có ý nghĩa mang lại điều lành, thịnh vượng, phát đạt và trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt Tết Trung thu.

10 năm gần đây cứ mỗi dịp Tết Trung thu, từ trẻ nhỏ đến người lớn ở khu phố Bạch Đằng (thành phố Hải Dương) đã quen thuộc với những màn biểu diễn đặc sắc của Đội múa lân thầy Toàn. Những buổi biểu diễn đó hoàn toàn miễn phí.

“Thầy Toàn” được nói đến ở đây là anh Nguyễn Xuân Toàn (Câu lạc bộ thiếu lâm Trung Sơn), người thầy dạy môn võ thiếu lâm tại Nhà thiếu nhi Hải Dương. Xuất phát từ sự yêu thích đặc biệt với múa lân, nhiều năm qua, anh đã truyền cảm hứng và dạy nhiều học trò lớp võ của mình thành thạo môn nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Sức hút của môn nghệ thuật dân gian

Từ xa xưa, múa lân – sư – rồng là một môn nghệ thuật dân gian có ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang lại điều lành, tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt và trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, trong đó có Tết Trung thu.

Đội múa lân thầy Toàn hiện duy trì khoảng 40 thành viên, đều xuất phát điểm là những bạn học võ. Đội thường xuyên được mời đi biểu diễn ở một số sự kiện lớn ở nhiều nơi trong tỉnh.

“Nói là múa lân cho ngắn gọn nhưng thực tế đội biểu diễn cả múa lân và múa rồng. Đây là một phần trong nội dung lớp võ của tôi. Trung thu năm nay đội có một chương trình biểu diễn đặc biệt kéo dài 2 tiếng tại khu phố để phục vụ bà con. Trước đêm rằm, đội tham dự biểu diễn tại Đêm hội trăng rằm do Tỉnh đoàn Hải Dương tổ chức cho các em nhỏ ở huyện Tứ Kỳ”, anh Nguyễn Xuân Toàn cho biết.

Màn tập múa rồng của đội "thầy Toàn". Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Để chuẩn bị, trước Trung thu chừng nửa tháng, đội múa lân đã phải tập luyện hàng ngày. Có chứng kiến một buổi tập mới thấy được sự say mê của những bạn trẻ trong đội múa lân. Cứ khoảng 17h30, trên một phần sân của Nhà thiếu nhi, 25 thanh thiếu niên mặc áo phông cờ đỏ sao vàng đã tập hợp.

Sau những tiếng trống, tiếng thanh la não bạt vang lên thúc giục, ai vào vị trí người nấy sẵn sàng. Màn múa rồng khởi đầu. Điều khiển màn múa rồng là 9 thanh thiếu niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh, di chuyển không ngừng.

Thân rồng vàng óng uốn lượn mềm mại, nhịp nhàng theo tiếng trống. Màn múa rồng kết thúc cũng là lúc các diễn viên múa lân nhập cuộc. Mỗi chú lân do hai người điều khiển.

6 chú lân tập hợp đội hình, sau màn chào khán giả, những chú lân tập trung vào tiếng trống, liên tục chuyển động, khi chồm lên cao, lúc nằm rạp xuống đất, lúc đi, lúc chạy, lúc đứng yên, lúc xoáy người rất thuần thục, nhịp nhàng cho thấy sự ăn ý của từng cặp “diễn viên”.

Thầy giáo đứng bên ngoài di chuyển các góc, vừa bao quát tổng thể màn múa vừa hò hét khích lệ, nhắc nhở, giúp điều chỉnh động tác.

Nguyễn Xuân Toàn cho biết, một buổi biểu diễn hay, cuốn hút người xem là sự kết hợp của tổng thể từ trang phục đẹp, động tác đồng đều, khéo léo, âm thanh sôi động. Bởi vậy, anh rất chú trọng đầu tư cho trang phục và nhạc cụ. Đây còn là bí quyết để các học trò hứng thú với từng buổi tập luyện và biểu diễn.

Tình yêu nghề của người thầy đã truyền hứng thú với môn múa lân đến nhiều lớp học trò. Nguyễn Hải Linh (phố Bắc Kinh, thành phố Hải Dương) đã 8 năm nay kiên trì theo đội múa lân của thầy Toàn chia sẻ, học múa lân không khó, nhất là với những người biết võ.

“Em rất thích môn múa lân. Em nghĩ học môn này cũng là góp phần giữ gìn một nét văn hóa truyền thống. Múa lân hiện nay đã trở thành một môn thi đấu tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á (Asian Indoor Games). Em mong muốn nhiều bạn trẻ cũng tập và yêu thích môn này”.

Còn Trần Tuấn Anh (phố An Ninh, thành phố Hải Dương) năm nay vừa lên lớp 10 kể: “Em mới tập múa lân được gần 4 tháng. Em thấy học múa lân rèn cho mình sự dẻo dai, cứng rắn hơn. Nhất là em không còn ham mê điện tử như trước nữa. Bố mẹ thấy vậy nên rất ủng hộ em đi học võ, múa lân”.

Truyền hứng thú cho lớp trẻ

Niềm yêu thích bộ môn múa lân sớm được hình thành từ những lần cậu bé Nguyễn Xuân Toàn được xem múa lân trong các lễ hội ở quê mình. Trong suốt thời gian đi học thể thao ở thành phố Hồ Chí Minh, anh vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê này và không ngừng học hỏi, tập luyện.

Năm 1996, trở về Hải Dương, với bằng chứng nhận huấn luyện viên quốc gia về võ thuật và lân sư rồng, anh Toàn mở lớp dạy võ và tập hợp một số người trẻ lại, bắt đầu tập luyện múa lân. “Thời đó, ở Hải Dương có một số nhóm múa lân các nơi về biểu diễn và mục đích là biểu diễn xin tiền.

Nhận thấy việc làm này rất phản cảm, không như các cụ ngày xưa chỉ biểu diễn múa lân vào những dịp vui của cộng đồng, tôi quyết định lập một đội múa lân để góp vui một cách vô tư cho các hoạt động chung của khu dân cư”, anh Toàn nhớ lại.

Sau gần 20 năm theo đuổi đam mê, anh đúc kết: “Điều quan trọng trước hết với môn này phải là sự yêu thích. Sau đó mới đến tiêu chí sức khỏe và sự khéo léo”. Thực tế cho thấy, các thành viên đội múa lân thầy Toàn có được nền tảng sức khỏe tốt nhờ học võ, đến khi tập múa lân, các em lại được bồi dưỡng thêm sự tự tin, dẻo dai, dũng cảm, bình tĩnh để xử lý những tình huống khó trên đường khi đang diễn.

Đến nay, anh Toàn đã đào tạo cho nhiều lớp học trò biết múa lân. Nhiều em học xong, tự lập đội riêng, tập luyện để biểu diễn. “Hiện nay, những đội múa lân giỏi ở thị xã Chí Linh và đội lân ở huyện Gia Lộc, huyện Tứ Kỳ đều do mình đào tạo. Mình lại hỗ trợ các bạn về đạo cụ, trang phục để các bạn có thể đi diễn”, anh Toàn chia sẻ.

Từ một tiết mục vui Tết trung thu, môn múa lân ngày càng phổ biến, hiện diện trong nhiều dịp sinh hoạt cộng đồng khác, trở nên quen thuộc với người dân từ thành thị tới nông thôn, có mặt phổ biến tại những lễ hội, lễ khai trương, khánh thành…

Chính vì vậy, đội múa lân càng có thêm nhiều đất diễn. Và với Nguyễn Xuân Toàn, bên cạnh niềm vui vì môn múa lân ngày càng thịnh hành, còn là niềm vui vì đã giúp nhiều học trò thành đạt, có thể kiếm sống bằng đam mê.

Hiện nay, anh Toàn dự định mở rộng lớp ở những tỉnh lân cận, để cạnh tranh, so tài với các đội múa lân của những nơi khác.

Anh cũng mong ngành văn hóa địa phương dành sự quan tâm hơn và đầu tư phù hợp cho môn múa lân, tổ chức những hội thi múa lân – sư - rồng giữa các nhóm, các câu lạc bộ để thu hút các bạn thanh thiếu niên tập luyện vì cùng với việc gìn giữ một nét đẹp văn hóa dân gian, môn này còn rèn cho cho bạn trẻ nhiều kỹ năng sống cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục