TTCK Trung Quốc lao dốc, nền kinh tế không phải là "thủ phạm"

19:16' - 12/01/2016
BNEWS Lần lao dốc mới đây của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại trong các nhà đầu tư toàn cầu về thực trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lần lao dốc mới đây của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại trong các nhà đầu tư toàn cầu về thực trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: scmp.com

Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy triển vọng của kinh tế Trung Quốc xấu đi nhiều trong những tuần gần đây.

Trung Quốc trở thành mối lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư vào thời điểm đầu năm 2016, khi TTCK nước này giảm 10% trong tuần trước, khởi đầu cho làn sóng bán tháo các tài sản rủi ro và giảm thêm 5% trong phiên 11/1.

Kinh tế Trung Quốc đuối dần trong suốt năm 2015 và các nhà kinh tế có những quan điểm khác nhau về việc khi nào nền kinh tế này sẽ thoát khỏi đáy.

Tuy nhiên, doanh số bán ô tô và nhà đất đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi và chỉ một số ít người dự đoán về nguy cơ "hạ cánh cứng" của nền kinh tế Trung Quốc mà sự lao dốc gần đây trên TTCK có thể phơi bày.

Lĩnh vực dịch vụ là một trong những điểm sáng của kinh tế Trung Quốc trong năm qua và số liệu chính thức cho thấy hoạt động trong lĩnh vực này ở mức cao 16 tháng trong tháng 12/2015.

Trong khi đó, doanh số bán xe tăng trong 11/2015 và được dự báo tăng 5-7% trong năm 2016, so với nhịp độ tăng 3% trong năm 2015, còn doanh số bán trong lĩnh vực bất động sản từ tháng Một đến tháng 11/2015 có sự cải thiện vừa phải.

Nhà kinh tế Shen Lan thuộc Standard Chartered tại Bắc Kinh cho rằng ít có mối liên hệ giữa biến động của TTCK và nền kinh tế Trung Quốc.

Theo nhà kinh tế này, các số liệu kinh tế trong tháng 11/2015 đã cho thấy kinh tế Trung Quốc đã có được động lực mạnh hơn.

Nhà phân tích Zhou Jingtong thuộc Bank of China tại Bắc Kinh cho rằng kinh tế Trung Quốc ổn định dần trong quý IV/2015, với số liệu về chỉ số nhà quản lý mua hàng chính thức đã cải thiện trong tháng 12 và giá tiêu dùng vẫn cao, trong khi giá hàng hóa xuất xưởng không giảm thêm.

Capital Economics có trụ sở tại London tuần trước nhận định rằng các số liệu gần đây đã cải thiện hơn so với dự kiến vài tháng trước.

Theo các nhà phân tích của OCBC Bank, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm hơn trong năm 2016, do tình trạng dư thừa công suất dai dẳng, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng sang dựa vào dịch vụ và tiêu dùng có thể tạo đà cho tăng trưởng, nhờ đó tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ đạt khoảng 6,7% năm 2016.

Còn các nhà phân tích của Nomura bi quan hơn với dự báo mức tăng trưởng sẽ giảm xuống dưới 6% năm nay, nhưng cho rằng rủi ro mang tính hệ thống vẫn được kiểm soát và sẽ không sớm xảy ra tình trạng "hạ cánh cứng".

Các nhà phân tích chỉ ra rằng các TTCK Trung Quốc cũng có ít tác động đến nền kinh tế hơn ở những nước khác. Các công ty Trung Quốc dựa nhiều hơn vào các khoản vay ngân hàng, trong khi ít phụ thuộc hơn vào thị trường vốn so với các công ty phương Tây và số lượng nhà đầu tư chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số, khi chỉ có chưa đến 100 triệu nhà đầu tư lẻ vào cuối năm 2015 ở một đất nước có 1,3 tỷ dân.

Capital Economics cho rằng các thị trường chứng khoán Trung Quốc vận hành độc lập với nền kinh tế nước này.

Theo Phó Giáo sư Oleg Timofeyev thuộc Đại học Quản lý Nhà nước của Nga, thị trường chứng khoán và kinh tế Trung Quốc phát triển độc lập, biến động trên TTCK không tác động đến nền kinh tế.

Ông cho rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng của TTCK trong những năm trước vượt xa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ như được dự đoán trên các phương tiện truyền thông. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục