Tuần “ảm đạm” trên thị trường vàng thế giới

12:12' - 10/02/2018
BNEWS Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay ước giảm 1,3%, ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Tuần “ảm đạm” trên thị trường vàng thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN
Thị trường vàng thế giới vừa nếm trải một tuần “ảm đạm”, do sự tăng giá của đồng USD và mối lo ngại của nhà đầu tư về tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay ước giảm 1,3%, ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (5/2) giá vàng thế giới không biến động nhiều, do các thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh đã giúp giá vàng phục hồi phần nào sau khi ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất tính theo ngày trong hai tháng qua ở phiên trước đó.

Sang phiên ngày 6/2, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong hai tuần rưỡi giữa bối cảnh giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước kỳ vọng lãi suất tại Mỹ sẽ còn được nâng lên cao hơn. Chỉ số USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này tăng gần 0,1% lên mức 89,6 sau khi đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm hồi tuần trước. Giá vàng luôn nhạy cảm với những biến động của đồng USD, do một khi đồng bạc xanh mạnh lên sẽ khiến sức hấp dẫn của các tài sản như vàng giảm đáng kể.

Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên 7/2 khi giới đầu tư tập trung vào những dự đoán Mỹ sẽ tăng lãi suất. Các thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất bốn lần trong năm 2018. Lãi suất tăng sẽ khiến vàng kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Sau khi biến động nhẹ trong phiên giao dịch ngày 8/2, giá vàng lại đi xuống trong phiên cuối tuần (9/2), do xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh và mối lo về tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 4/2018 giảm 3,3 USD xuống 1.315,7 USD/ounce. Các nhà giao dịch cho biết đồng USD đang hướng đến tuần tăng mạnh nhất trong gần 15 tuần, trước sự đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia Ole Hansen, thuộc Saxo Bank, cho rằng các nhà đầu tư đang chờ đợi tác động của chương trình cải cách thuế đối với nền kinh tế Mỹ. Nếu việc cải cách này có tác động tiêu cực, đồng USD sẽ không tiếp tục được hưởng lợi.

Trong một thông tin liên quan, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng trên toàn cầu trong năm 2017 đã giảm 7% xuống 4.471,7 tấn, mức thấp nhất trong tám năm, giữa bối cảnh hoạt động đầu tư sụt giảm của các quỹ đã “lấn át” việc tiêu thụ vàng trang sức gia tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục