Tỷ giá có dư địa đủ lớn để “ứng phó” trước bất lợi

14:42' - 25/08/2015
BNEWS Sau khi tỷ giá được điều chỉnh, doanh nghiệp xuất khẩu đã nhìn thấy mối lợi. Doanh nghiệp trong nước cũng phải nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam.

Sau khi điều chỉnh 1% tỷ giá và nới thêm biên độ tỷ giá lên +-3%, Ngân hàng Nhà nước vừa cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá và áp dụng mọi biện pháp để giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016.

Theo lý giải của nhà điều hành, với mức điều chỉnh vừa qua là rất mạnh đã tạo ra vị thế cạnh tranh của đồng Việt Nam và cũng đủ mức độ để linh hoạt, đáp ứng với những diễn biến của thị trường.


TS Lê Xuân Nghĩa: Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đã nói rất rõ là sau hai lần điều chỉnh liên tiếp. Ảnh: TTXVN

Nhận định những tác động từ lần điều chỉnh gần đây nhất phần lớn là những tác động rất tích cực, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng điều quan trọng trong thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đã nói rất rõ. Đó là sau hai lần điều chỉnh liên tiếp, tỷ giá có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.

Cũng theo chuyên gia này, sau khi tỷ giá được điều chỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nhìn thấy mối lợi. Còn doanh nghiệp trong nước cũng phải nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc.

Đây là động thái đón đầu một cách kịp thời, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường ngoại tệ trong thời gian tới.

Ông Nghĩa tính toán, nếu tăng 1% tỷ giá hối đoái có thể làm tăng lạm phát trong ngắn hạn lên 0,13% tức là không đáng kể. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì có tác động ngược lại.

Trong hạch toán quốc gia thì xuất khẩu là dấu cộng tức là nếu xuất khẩu tăng thì đồng nghĩa thâm hụt thương mại sẽ giảm, như vậy tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn.

“Tôi cũng cho rằng việc điều chỉnh tác động không mạnh đến lạm phát, hiện lạm phát đang ở mức rất thấp cho nên nó cũng không tác động đến lãi suất tiền gửi. Vì vậy cũng sẽ không tác động đến lãi suất cho vay.

Xét về mặt lý thuyết khi ngân hàng trung ương nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó về nguyên tắc lãi suất sẽ giảm chứ không tăng”, ông Nghĩa cho biết thêm.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia, cũng nhìn nhận: “Tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng GDP thì không ảnh hưởng gì nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chắc chắn sẽ nhích lên.

Tuy nhiên, trong điều kiện CPI rất thấp hiện nay thì dù tăng thêm, ví dụ tăng thêm 1% đi nữa, thì cũng nằm trong tầm kiểm soát chúng ta dự kiến năm nay dưới mức 5%”.


Tiến sỹ Trần Du lịch (Nguồn:TTXVN)

Tiến sỹ Trần Du Lịch phân tích, tăng tỷ giá thêm 1% và tăng biên độ giao dịch đôla Mỹ lên +-3%, cũng có nghĩa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ có mức giảm từ 3 đến 5% tại các thị trường xuất khẩu như Nhật, EU, Mỹ.

Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn cũng có nghĩa là cơ hội và sự hiện diện của hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu có cơ hội tăng lên. Xuất khẩu sẽ được hỗ trợ nhiều khi tỷ giá điều chỉnh.

Tính từ đầu năm đến nay, với 3 lần điều chỉnh tỷ giá, có những ý kiến cho rằng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước đã phá vỡ cam kết khi ngay từ đầu năm Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề ra mục tiêu trong năm 2015 sẽ giữ ổn định thị trường ngoại hối và mức điều chỉnh không quá 2%.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết như vậy là trong điều kiện không có gì đặc biệt. Còn với tình hình hiện nay với nhiều diễn biến bất thường thì việc Ngân hàng Nhà nước hành động như vậy là bước đi linh hoạt, chủ động nhằm “chống đỡ” những cú sốc từ bên ngoài.

Khi nhận xét về ứng xử với thị trường vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có sự theo dõi, đánh giá chính xác và phản ứng khá nhanh trước diễn biến môi trường bên ngoài như việc FED có thể tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY).

Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, cần tiếp tục tập trung vào các vấn đề mang tính dài hạn, đó là kinh tế vĩ mô cần có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt, ổn định và có nền tảng vững chắc.

Trong công tác hoạch định điều hành chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra, ví dụ như diễn biến của đồng Nhân dân tệ và chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời./.

Đỗ Huyền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục