Tỷ giá tăng, cung cầu ngoại tệ vẫn trong tầm kiểm soát

17:59' - 18/11/2016
BNEWS Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt.
Tỷ giá tăng, cung cầu ngoại tệ vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh minh họa: Thinkstock

Khoảng một tuần trở lại đây, thị trường ngoại tệ lại nóng lên khi tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 8 phiên liên tiếp với mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay và các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt nâng giá đồng bạc xanh tới hơn 100 đồng. Vậy điều gì đang tác động tới diễn biến này? 

Giới phân tích nhận định, đợt biến động này diễn ra sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, đồng USD nhanh chóng tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt.

Cùng đó, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh. Ngoài ra, cuối năm luôn là thời điểm cầu ngoại tệ từ các doanh nghiệp trong nước tăng cao để phục vụ mục đích thanh toán.

Những diễn biến này đang tác động chủ yếu đối với tỷ giá USD/VND hiện nay.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính), việc đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế có thể là nguyên nhân khiến cho kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá gia tăng.

Ngoài ra, tỷ giá tăng có thể là do một số doanh nghiệp đang mua USD để trả nợ, khi thời hạn các ngân hàng thương mại được phép cho vay ngoại tệ theo Thông tư 07/2016 của Ngân hàng Nhà nước sắp kết thúc.

Nguyên nhân nữa có thể là do Ngân hàng Nhà nước đã mua tương đối nhiều USD và vẫn đang tiếp tục mua, khiến cho nguồn cung USD trên thị trường giảm mạnh.

Cùng quan điểm này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đợt biến động này ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong và bên ngoài.

Bên ngoài là các nhà tài chính của Mỹ, thế giới tin tưởng chính sách của ông Donald Trump nên tăng giá trị USD. Cùng với đó, khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 nên cũng làm tăng giá trị đồng USD.

Còn yếu tố bên trong là cuối năm thường là thời điểm doanh nghiệp cần USD để thanh toán, trả nợ, nhập khẩu hàng.

Ngay sau diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời “lên tiếng” với thông điệp, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm được công bố trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi. Cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm…

Cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát ở mức hợp lý.

Một phần nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng sẽ được đáp ứng bằng nguồn tín dụng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đến hết năm 2017 với việc ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN. Việc điều hành tỷ giá linh hoạt theo cả hai chiều đã giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ. 

Cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát ở mức hợp lý. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN vào tháng 10/2015 đã hạn chế việc các tổ chức, cá nhân mua ngoại tệ giao ngay trước khi đến hạn thanh toán cho các nhu cầu thanh toán ra nước ngoài, theo đó không tạo áp lực tăng cầu ngoại tệ trên thị trường.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, về tổng thể, các áp lực từ bên ngoài đối với tỷ giá từ nay đến cuối năm là có, nhưng nhiều khả năng sẽ không quá lớn. Có nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng GDP trung bình của Mỹ trong trung hạn chỉ ở mức 2%/năm, còn lạm phát vẫn dưới 2%.

Bởi vậy, nếu Fed có tăng lãi suất thì mức tăng sẽ không lớn và tốc độ tăng lãi suất sẽ không nhanh. Đồng USD cũng đã đạt mức cao kỷ lục trong 13 năm, nên việc nó có tiếp tục tăng giá mạnh hay không sau khi Fed tăng lãi suất (nếu có) vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ phân tích, hiện nay tỷ giá VND/USD được xác định dựa trên tỷ giá của một rổ tiền tệ, nên khi giá trị các đồng tiền khác thay đổi, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá trung tâm cho phù hợp.

Trên thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã làm như vậy. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng như giảm tình trạng đô la hóa, diễn biến của tỷ giá trung tâm không nhất thiết phải bám sát theo các dao động về tỷ giá của các đồng tiền khác theo ngày, thậm chí theo tuần, mà có thể chỉ bám sát theo tháng hay theo quý, thậm chí có thể theo năm.

Còn Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá tăng ở thời điểm này không quá báo động. Vị chuyên gia này cũng tin tưởng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm điều hành và họ sẽ làm được.

Cơ chế tỷ giá trung tâm được xem là công cụ rất tốt của Ngân hàng Nhà nước để tránh tình trạng đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ, tạo sóng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có lượng ngoại tệ lớn để can thiệp.

Chiều nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh tăng so với đầu giờ sáng. Lúc 15 giờ 30 phút, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.450 – 22.550 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 50 đồng ở chiều mua và 80 đồng ở chiều bán so với đầu giờ sáng.

Tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.112 đồng, Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.775 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.449 VND/USD.

Như vậy, giá USD giao dịch hiện nay vẫn nằm rất sâu so với mức 22.775 VND trần biên độ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục