Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt 81,7% dân số

15:46' - 03/01/2017
BNEWS Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt 81,7% dân số, vượt 2,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt 81,7% dân số. Ảnh minh họa: TTXVN

Con số này được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo thông tin tại Hội nghị cải cách hành chính và triển khai nhiệm vụ năm 2017, ngày 3/1. 

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt 81,7% dân số, vượt 2,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo thông tin tại Hội nghị cải cách hành chính và triển khai nhiệm vụ năm 2017, ngày 3/1. 

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, đến ngày 31/12, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 76,1 triệu người, đạt 101,5% kế hoạch giao (tăng 5,9 triệu người so với năm 2015). Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12,9 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,1 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 203.000 người và tham gia bảo hiểm y tế là 75,9 triệu người. 

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị và triển khai Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016–2020; đồng thời đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia. Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo, năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả quản lý. Thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành được cắt giảm xuống còn 32 thủ tục, thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội dự kiến giảm còn 45 giờ/năm. 

Trước tình trạng gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bất thường những tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao bất thường. Đồng thời, ngành phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện liên thông dữ liệu vào hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế... Do đó, 6 tháng cuối năm, các hiện tượng bất thường làm gia tăng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dần được khắc phục. 

Năm 2016, toàn ngành ước thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 144 triệu lượt người (tăng 14 triệu lượt người, 10,8% so với năm 2015) với chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dự kiến là 69.410 tỷ đồng, vượt quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2016 là 5.130 tỷ đồng. Có 45 địa phương có số chi vượt dự toán thu, trong đó, các tỉnh vượt chi lớn là An Giang, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Bình và Thanh Hóa. Phân tích nguyên nhân của tình trạng vượt quỹ, các địa phương cho rằng nguyên nhân chính là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 37, quy định thông tuyến khám chữa bệnh làm tăng tần suất khám chữa bệnh (số người tham gia bảo hiểm y tế tăng gần 10%). Ngoài ra còn do nguyên nhân trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ cả người tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở khám chữa bệnh. 

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa Lê Thanh Sinh cho biết địa phương này bội chi quỹ bảo hiểm y tế tới 600 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa đã rà soát lại các khoản chi và xuất toán năm 2015 và từ chối thanh toán của 9 tháng năm 2016 là 244,6 tỷ đồng. Kiểm soát bệnh nhân nội trú, trong 3 tháng, từ 1/8 – 31/10, cơ quan này đã phát hiện có trên 4.200 bệnh nhân có bệnh án đăng ký nội trú nhưng không có mặt tại khoa, phòng và đã từ chối thanh toán số cho bệnh nhân này. 

Quảng Nam cũng là địa phương có số bội chi quỹ khám chữa bệnh lớn. Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quảng Nam Phạm Văn Lại cho biết con số bội chi năm 2016 của địa phương này là hơn 400 tỷ đồng. 

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương lo ngại với việc tiếp tục thông tuyến, đưa giá viện phí tính đúng, tính đủ vào thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố, nếu không kiểm soát tốt, sẽ vỡ quỹ. Ông Khương cho biết, năm 2017, để quản lý chặt quỹ bảo hiểm y tế, phải quyết liệt từ đầu, trước mắt, phải thực hiện được giám định bảo hiểm y tế điện tử, không để các tỉnh bội chi tăng thêm, giữ được cân đối quỹ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục