Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt yêu cầu về ATTP tăng nhẹ

15:43' - 15/07/2016
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu (loại A/B) về điều kiện an toàn thực phẩm đã tăng lên 79,7% (năm 2015 là 78,3%).
Toàn cảnh Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp". Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Kinh tế trung ương, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp".

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như đánh giá mức độ thiệt hại về cả yếu tố kinh tế, xã hội và con người từ câu chuyện thực phẩm an toàn; phân tích các hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách quản lý, phối hợp, thực thi nhằm đảm bảo và duy trì một nền nông nghiệp an toàn từ quy trình sản xuất - chế biến - bảo quản - và tiêu thụ sản phẩm; thảo luận tìm ra các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm giải quyết triệt để vấn nạn an toàn thực phẩm, tạo dựng và củng cố lại niềm tin của khách hàng trong nước và quốc tế.

Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu (loại A/B) về điều kiện an toàn thực phẩm đã tăng lên 79,7% (năm 2015 là 78,3%); tỷ lệ cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 35,8% (năm 2015 là 34,4%).

Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc của một số địa phương trong công tác an toàn thực phẩm còn hạn chế; chậm truy xuất, điều tra xử lý sự cố mất an toàn thực phẩm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông nhằm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác kết quả kiểm tra, thanh tra các trường hợp vi phạm.

Việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh chưa cao, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ...
Do đó, ông Hào đã đưa ra các giải pháp như tổ chức đào tạo nhân lực, đặc biệt tuyến cấp huyện, xã về giám sát, đánh giá, cảnh báo truyền thông nguy cơ; về kiểm nghiệm, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy xuất, xử lý sự cố an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, rà soát và đề xuất ban hành chính sách liên kết, phát triển nhân rộng chuỗi giá trị nông sản an toàn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra đột xuất, kiểm tra, giám sát sản phẩm, công đoạn rủi ro cao, cảnh báo và xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, thực phẩm không an toàn từ khâu sản xuất đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ, thực sự được xem là vấn nạn đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện nay.

Đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân...

Để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong tiến trình hội nhập, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng an toàn thực phẩm đã được đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược dài hạn trong chiến lược phát triển bền vững ở nước ta.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương về an toàn thực phẩm trên địa bàn, và coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục