Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá giảm còn 5,36%

17:45' - 28/10/2016
BNEWS Năm 2016, Hải quan Việt Nam đã áp dụng quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá giảm còn 5,36%. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá giảm còn 5,36% là thông tin được đại diện Cục Quản lý rủi ro, Tổng Cục Hải quan đưa ra tại họp báo chuyên đề về áp dụng quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm nâng năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do cơ quan này tổ chức ngày 28/10, tại Hà Nội.

Năm 2016, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai Luật Hải quan (năm 2014), Hải quan Việt Nam đã áp dụng quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.

Theo đó, ngành này chịu tác động mạnh mẽ trước sự gia tăng về số lượng ; tốc độ di chuyển nhanh chóng của dòng chảy hàng hoá, phương tiện, hành khách qua lại cửa khẩu biên giới Việt Nam.

Cụ thể, số liệu thống kê, phân tích hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2004 cho thấy, tổng tờ khai xuất khẩu , nhập khẩu được thực hiện là 1.696.000 tờ với kim ngạch đạt 58,45 tỷ USD. Đến năm 2006, con số này lên tới 2.320.000 tờ khai, kim ngạch là 84,72 tỷ USD.

Năm 2013, tổng số lượng tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu đã tăng hơn gấp đôi đạt mức 5.921.000 tờ khai với kim ngạch 264,06 tỷ USD. Năm 2015 con số này đã là 8.510.000 tờ khai với kim ngạch đạt 327,59 tỷ USD .

Cùng với đó, áp lực từ các cam kết thương mại quốc tế, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan đòi hỏi cơ quan chức năng ngày càng chú trọng hơn trong vấn đề cải cách.

Hiện Việt Nam có gần 60.000 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất nhập khẩu. Thời gian qua, cơ quan hải quan thực hiện đánh giá phân loại 3 nhóm doanh nghiệp để phục vụ áp dụng chính sách quản lý hải quan gồm: doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ, doanh nghiệp không tuân thủ.

Kết quả đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với việc cơ quan hải quan trong việc tập trung áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp tuân thủ có cơ hội hợp tác, được cơ quan hải quan hỗ trợ về thông tin, kiểm soát hệ thống nội bộ nhằm nâng năng lực tuân thủ pháp luật hải quan, thuế áp dụng đối với hàng hoá, phương tiện vận tải của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp tuân thủ được diện ưu tiên: giảm tỷ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hoá theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015; được chấp nhận chứng từ bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thuế do tổ chức tín dụng phát hành; được đưa hàng về bảo quản nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định; ưu đãi trong lựa chọn hồ sơ thuế để áp dụng chế độ kiểm tra trước.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục