Tỷ phú Donald Trump đưa vấn đề năng lượng vào cuộc đua đến Nhà Trắng

13:22' - 31/05/2016
BNEWS Ông Donald Trump tuyên bố nếu thắng cử thì ông sẽ đảo ngược những luật lệ về khoan dầu, “bãi bỏ hiệp định Paris về khí hậu và ngưng chi trả cho mọi chương trình của LHQ về tăng nhiệt toàn cầu”.
Tỷ phú Donald Trump đưa vấn đề năng lượng vào cuộc đua đến Nhà Trắng. Ảnh: wikipedia.org

Trong bài phát biểu mới đây tại một hội nghị về dầu mỏ ở North Dakota, ứng viên đang tranh chức Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết sẽ bãi bỏ hiệp định về khí hậu đã ký ở Paris hồi cuối năm ngoái và ráo riết theo đuổi chính sách phát triển năng lượng hóa thạch của Mỹ.

Tỷ phú Trump công kích các lập trường về chính sách năng lượng của người dẫn đầu cuộc chạy đua bên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và phác họa những tương phản gay gắt giữa hai bên về một vấn đề có thể coi là then chốt trong cuộc tổng tuyển cử.

Ông Trump đã đưa ra các nhận định tại một tiểu bang nơi sản lượng dầu và khí đốt tăng vọt gấp 10 lần trong thập niên vừa qua, góp phần đưa Mỹ trở thành nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới. Theo ông, sự chuyển biến đã diễn ra bất chấp “những rào cản to lớn mới về chính trị và quan liêu”.

Nhận xét về động thái này của ông Trump, ông Oren Cass, một học giả kỳ cựu tại Viện Manhattan và là cố vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2012, cho hay ông Trump “thậm chí không nắm được chút nào về nội dung hiệp định Paris thực sự là gì”.

Ông ủng hộ trọng điểm ông Trump đặt vào vấn đề năng lượng trong nước và giảm bớt các luật lệ, nhưng nói rằng ông Trump đã chứng tỏ một sự thất bại đáng ngại là không nắm được “các sự kiện và cách thức những việc này thực sự tác động ra sao”.

Các nhận định của ông Trump được đưa ra vào ngày ông hội đủ số phiếu đại biểu để được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên Tổng thống. Và qua việc tập trung vào chính sách năng lượng, ông Trump nhấn mạnh đến một đề tài đã không thu hút được nhiều sự chú ý trong các cuộc tranh đua sơ bộ nhưng có thể quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử.

Trong khi đó, khác với ông Trump, bà Clinton gọi hiệp định về khí hậu của Liên hợp quốc tại Paris hồi tháng 12 năm ngoái là một “bước tiến lịch sử”, và là “một bằng chứng cho khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”. Bà đã ủng hộ một sự chuyển tiếp tách rời khỏi nhiên liệu hóa thạch hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn để có thể chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Một cuộc thăm dò mới đây của viện Gallup cho thấy 64% người dân Mỹ lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, và một tỷ lệ kỷ lục 65% nói rằng con người chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Thời gian gần đây, cử tri cũng đang quay ra chống lại những kỹ thuật đã khiến Mỹ trở thành nước sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Đó là công nghệ ép thủy lực để khai thác dầu đá phiến. Viện Gallup nhận thấy trên một nửa số người trả lời thăm dò phản đối phương pháp này, so với tỷ lệ 40% hồi năm ngoái.

Giới bảo vệ môi trường chỉ trích kỹ thuật ép vỉa thủy lực vì cho rằng đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nước, rò rỉ khí mê-tan và động đất, song các chuyên gia lại cho rằng khí đốt thiên nhiên góp phần giúp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí đốt thiên nhiên sạch và rẻ hơn than đá.

Về vấn đề phá đá khai mỏ, bà Clinton đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai phía. Trong tư cách Ngoại trưởng, bà đã ủng hộ việc khai thác khí đốt thiên nhiên như một loại “nhiên liệu bắc cầu” giữa than đá và năng lượng tái tạo. Nhưng bà đã rút lại sự ủng hộ cho phương pháp ấy ở Mỹ.

Tỷ phú Donald Trump đã giành được lượng đại biểu cần thiết để đảm bảo việc được đảng này đề cử.

Ông đã đánh bại 16 ứng viên khác của đảng Cộng hòa và đạt được 1.238 đại biểu, hơn một người so với yêu cầu. Đảng Cộng hòa sẽ đưa ra đề cử tại hội nghị vào tháng 7/2016. Trong khi ông Trump đã đạt được lượng đại biểu cần thiết, việc đề cử ông chưa được bảo đảm do nội bộ đảng Cộng hòa vẫn còn chia rẽ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục