Ùn tắc giao thông: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

11:58' - 11/02/2018
BNEWS Ùn tắc giao thông, câu chuyện muôn thưở, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng không dễ thay đổi.
Kẹt xe ở cầu Bình Triệu hướng từ Thủ Đức về bến xe miền Đông. Ảnh : Hoàng Hải-TTXVN

Đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp lễ, Tết, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lại chịu cảnh giao thông ùn ứ, tắc nghẽn. Ùn tắc giao thông, câu chuyện muôn thưở, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng không dễ thay đổi.

Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có xu hướng mở rộng

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đang diễn ra thường xuyên, khó kiểm soát, có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian, đặc biệt là trong những ngày thời tiết xấu, gây trở ngại lớn đến hoạt động giao thông. Hiện vẫn chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục ùn tắc giao thông cục bộ do tai nạn giao thông, phương tiện hư hỏng, công trình xây dựng chiếm lòng đường.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2017, toàn quốc đã xảy ra 87 vụ ùn tắc giao thông lớn, kéo dài mà nguyên nhân chính là do tai nạn giao thông: 56 vụ, chiếm 64,36%; các nguyên nhân khác như sự cố trên đường, cháy nổ, mưa lớn, sạt lở…: 27 vụ, chiếm 31,03%.

Số vụ ùn tắc kéo dài do lưu lượng phương tiện tăng cao chỉ có 4 vụ, chiếm 4,59%. Ùn ứ giao thông cục bộ xảy ra nhiều ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 buổi làm việc chuyên đề với lãnh đạo Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau buổi làm việc, nhiều giải pháp đồng bộ đã được hai địa phương triển khai quyết liệt.

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; tổ chức và công bố kết quả cuộc thi ý tưởng, phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030, qua đó, lựa chọn giải pháp phù hợp để thực hiện nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Hà Nội huy động tối đa các lực lượng chốt trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông vào giờ cao điểm tại các vị trí có nguy cơ ùn tắc; cung cấp danh sách các tuyến phố cấm xe taxi trên địa bàn thành phố, theo đó thực hiện cấm taxi theo giờ đối với một số đoạn, tuyến phố có nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, cùng với việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; thành phố đã sắp xếp lại hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, các tuyến xe bus bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã; đưa vào khai thác tuyến bus nhanh BRT, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, tránh ùn tắc; thực hiện thí điểm trông giữ xe theo ngày chẵn, lẻ trên 5 tuyến phố; triển khai ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm và thanh toán phí đỗ xe tự động thông qua điện thoại di động iParking.

Số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn đã giảm hàng năm, năm 2015 là 44 điểm, năm 2016 giảm còn 41 điểm. Năm 2017, thành phố đã tập trung xử lý được 17 điểm ùn tắc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với việc phân cấp quản lý toàn bộ hệ thống vỉa hè cho các quận, huyện, nhiều địa phương tập trung chỉ đạo, ra quân thường xuyên nên tình hình trật tự lòng, lề đường trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước.

Nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn, hoạt động buôn bán, lấn chiếm tại một số nơi đã được chấn chỉnh và sắp xếp tương đối ổn định. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư phương tiện thuộc đề án thay mới 1680 xe buýt công cộng; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút người dân sử dụng xe buýt (khối lượng vận chuyển tăng thêm khoảng 20% so với trước thời điểm thay xe).

Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường cho biết, đầu năm 2017, thành phố có 37 điểm có nguy cơ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đến cuối năm đã xóa được 4 điểm, 18 điểm có chuyển biến, 15 điểm ít chuyển biến và có diễn biến phức tạp. Thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể của từng điểm ùn tắc, bố trí các lực lượng tham gia điều tiết.

Nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài

Tuy nhiên, dù đã triển khai nhiều giải pháp, song có thể thấy ùn ứ giao thông vẫn diễn ra phức tạp, thường xuyên vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường, nút giao thông của hai thành phố lớn này, đặc biệt là tuyến cửa ngõ ra vào nội đô, tuyến đường xuyên tâm.

Vào những ngày cận Tết, lưu lượng phương tiện giao thông gia tăng, giao lưu hàng hóa và đi lại của người dân lớn, cộng với hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông khiến tình hình ùn ứ diễn biến phức tạp hơn, nhiều tuyến đường bị “kẹt cứng” kéo dài, nhất là giao thông cửa ngõ và cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), các tuyến đường Tây Sơn, Chùa Bộc, Xã Đàn, Kim Mã, Đào Tấn… (Hà Nội), một số tuyến quốc lộ. Những trạm thu phí ở các thành phố lớn phải đối mặt với áp lực giao thông tăng cao.

Mục tiêu không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giao cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018 vào đầu tháng 1/2018 vừa qua có thể nói là áp lực không nhỏ với hai địa phương này.

Theo Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường, thành phố đã có nhiều giải pháp, biện pháp, gồm cả biện pháp công trình và phi công trình, những giải pháp trước mắt, trung hạn và dài hạn, đặc biệt là tuyên truyền ý thức cho người tham gia giao thông kết hợp với xử lý vi phạm.

Nhận định trước và sau Tết thường xảy ra ùn tắc ở khu vực cửa ngõ, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Để đáp ứng nhu cầu đi lại và giải tỏa hành khách khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đã quyết định miễn phí cho người và hành lý mang theo trên 2 tuyến xe bus 109 và 152 đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc miễn phí áp dụng từ ngày 10/2 – 14/2 và từ 20/2 - 24/2. Đồng thời, tạm điều chỉnh hai tuyến xe bus 103 và 159 kết nối trực tiếp vào nhà ga sân bay. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khuyến cáo hạn chế người nhà đưa và đón để tránh ùn tắc giao thông.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty vận tải Hà Nội tăng cường xe để đáp ứng nhu cầu vận tải trong đợt cao điểm; áp dụng bán vé qua mạng internet; đảm bảo an ninh, an toàn, thuận lợi cho hành khách, hạn chế tối thiểu hiện tượng ùn ứ khách tại các bến xe.

Trên tuyến đường Giải Phóng đoạn qua bệnh viện Bạch Mai luôn xảy ra ùn tắc, mọi phương tiện phải di chuyển rất chậm. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành lưu động, duy trì lực lượng 24/24h, xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý dứt điểm các vi phạm lòng, lề đường, hè đường và hành lang an toàn giao thông; kịp thời giải tỏa ùn tắc đối với các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn trong các thời gian cao điểm.

Nhằm tránh ùn tắc tại các trạm thu phí BOT trong dịp Tết, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản chỉ đạo phải xả trạm nếu để ùn tắc dài trên 700m.

Nhận định năm 2018, với việc thuế nhập khẩu ô tô từ các quốc gia ASEAN giảm xuống 0%, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ gia tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm với hoàn thiện quy hoạch không gian và sử dụng đất nhằm nâng cao năng lực kết nối, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng việc làm cho các đô thị trung bình (loại 1, loại 2) nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kéo giảm áp lực về giao thông.

Đồng thời, phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông./.

>>> Ghi nhận tại các bến xe Hà Nội ngày cận Tết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục