Ứng dụng công nghệ để nâng chất lượng sản phẩm cho khu vực ĐBSCL

09:00' - 27/10/2017
BNEWS Để khai thác các tài nguyên bản địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng cần ứng dụng công nghệ, thúc đẩy và tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các địa phương.
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Diễn đàn kinh tế - kinh doanh Mekong Connect 2017, với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ” vừa diễn ra tại Bến Tre.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh: Diễn đàn nhằm thúc đẩy và tăng cường mối liên kết, hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hội nhập cho doanh nghiệp 4 tỉnh như: xây dựng thương hiệu, kết nối, truyền thông, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và triển khai các dự án, chương trình cụ thể để tăng cường tính liên kết vùng hướng đến phát triển bền vững của khu vực và từng địa phương.

Tại diễn đàn, 25 đề tài của các diễn giả, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách đã tập trung thảo luận các nội dung chính như: Vai trò và nguồn lực từ tài nguyên bản địa, giải pháp phát triển tài nguyên bản địa cho Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đồng bằng và doanh nghiệp quốc tế về việc khai thác tài nguyên bản địa, tài nguyên bản địa - cơ hội nào cho khởi nghiệp đồng bằng?.

Nổi bật là phiên thảo luận về giải pháp phát triển 4 chuỗi dừa, gạo, cá, sen - du lịch mà mỗi địa phương đều có thế mạnh với các tài nguyên bản địa riêng cũng như giải pháp ứng dụng công nghệ trong phát triển các tài nguyên bản địa này. Trong đó, Bến Tre với tài nguyên bản địa là dừa, An Giang là cá, Cần Thơ là gạo, Đồng Tháp là sen và các tour, tuyến du lịch.

Bàn về sản phẩm gạo, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam có tới 70% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, nhưng mạnh ai nấy lo, an toàn thực phẩm không rõ. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ: “Trừ một số ít đang chuyển hướng cải tiến từ số lượng sang chất lượng, còn lại đa phần xuất khẩu nông sản chất lượng thấp vào những thị trường giá trị thấp, nhất là mặt hàng gạo”. 

Riêng thủy sản, Mỹ và châu Âu đã đưa “thẻ vàng” ngưng nhập các loại cá, trong đó có mặt hàng cá basa vì cho rằng cá nuôi trong môi trường nước sông Cửu Long bị ô nhiễm. Theo các nhà khoa học, cần tìm giải pháp để giúp người dân sản xuất cá đảm bảo “sạch, an toàn” và có những công trình nghiên cứu để công bố với thế giới cá của đồng bằng sông Cửu Long được nuôi “sạch” ra sao và xây dựng chuỗi giá trị cho con cá.

Đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ và sản phẩm đặc trưng các địa phương. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Hiện nay, cây sen được chế biến thành khá nhiều sản phẩm độc đáo, trong đó mặt hàng sen sấy khô đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, để Đồng Tháp - nơi có nhiều sen phát huy thế mạnh của loại hoa mang tính tâm linh này thì cần xây dựng thành điểm đến của du lịch, giúp du khách ngắm sen, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các giá trị văn hóa gắn với sen, mua sắm sản vật từ sen.   

Với sản phẩm dừa, Việt Nam hiện có khoảng 165.000 ha dừa, diện tích cho sản phẩm 130.000 ha, sản lượng 1,3 - 1,4 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở các vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4,3% diện tích của Indonesia, 5,1% diện tích của Philippines, 8,6% diện tích của Ấn Độ và 41% diện tích dừa của Thái Lan. Thời gian qua, cả diện tích và sản lượng tại các quốc gia trên thế giới có dấu hiệu chững lại.

Rõ ràng, dừa của Việt Nam chiếm tỷ lệ không đáng kể trong bản đồ dừa thế giới. Tại Việt Nam, dừa tại Bến Tre chiếm khoảng 50% diện tích dừa cả nước và tăng đều trong các năm gần đây. Đặc biệt, sản lượng dừa của Bến Tre đạt khoảng 40 tấn/ha, chỉ thấp hơn dừa của Brazil. Trong 5 năm qua, nhu cầu từ dừa tăng rất lớn trên thế giới, chủ yếu là sản phẩm dầu dừa và nước dừa đóng lon. Hiện giá trị xuất khẩu của dừa Bến Tre đạt khoảng 150 triệu USD/năm, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Nghiên cứu viên cao cấp khu vực hạ lưu sông Cửu Long, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhấn mạnh: Tiềm năng thị trường dừa của Bến Tre rất lớn, nhưng để vươn ra thế giới Bến Tre phải nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa với công nghệ mới và phương thực canh tác hữu cơ, kết hợp đa dạng hóa sản phẩm.

Theo dự báo, người tiêu dùng Mỹ và châu Âu sẽ tăng nhu cầu sử dụng nước dừa, nhưng đòi hỏi sản phẩm nguyên chất pha với hương vị các loại trái cây khác như chanh dây. Bến Tre có thể đón đầu để có chiến lược sản xuất mặt hàng này. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VINAMIT nhận định: Trong tổng diện tích hơn 70.000 ha dừa của Bến Tre, mới chỉ có khoảng 7.000 ha dừa được chăm sóc theo hướng Organic. Đây là thực trạng cần phải thay đổi nhanh chóng để đảo bảo tính cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Sở dĩ tôi cho rằng cần phải thay đổi vì kinh nghiệm phát triển tài nguyên bản địa ngành dừa cho thấy điều tiên quyết phải làm đó là nguồn nguyên liệu hữu cơ (Organic). Khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng tại các thị trường lớn, nếu không truy xuất nguồn gốc xuất xứ sẽ không thể trở thành sự lựa chọn của họ.”- ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương lưu ý thêm đối với Bến Tre cần tập trung xây dựng quảng bá thương hiệu dừa Bến Tre ngay khi có chỉ dẫn địa lý.

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, thời gian tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên phát triển về nông sản và thủy sản, chăn nuôi kết hợp với đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Không ngừng tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông sản, đẩy mạnh công nghệ chế biến, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực. Trong phát triển, các địa phương cần tạo điều kiện tốt hơn nữa cho kinh tế tư nhân, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các nhãn hiệu nông sản chủ lực.

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhìn nhận, vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng sản xuất về lương thực, trái cây mà còn là vùng trọng điểm phát triển thủy sản. Tuy nhiên, giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu, các nguồn lực phát triển đang khan hiếm dần trước vấn đề biến đổi khí hậu. Ông cho rằng, vấn đề phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát triển tài nguyên bản địa và tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến là hết sức đúng đắn.

Để hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ vào phát triển tài nguyên bản địa, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung vào công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới để tăng giá trị sản phẩm. Tạo sự kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, Bộ đã đặt hàng với Trung tâm Công nghệ Hàn Quốc nghiên cứu giải pháp công nghệ để xây dựng nền sản xuất nông sản hữu cơ cho Đồng bằng sông Cửu Long - Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho hay.

Nhân dịp này, 14 doanh nghiệp đã được trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập thị trường Mỹ và châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục