Ứng dụng công nghệ Nano trong nông nghiệp

18:48' - 07/05/2018
BNEWS Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật không chỉ làm giảm tác động đến môi trường mà còn làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích.
Đại biểu tham quan mô hình hệ thống quan trắc cảnh báo xâm nhập mặn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Ngày 7/5, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - Viện Công nghệ Nano (INT) phối hợp với Đại học Kyushu (Nhật Bản) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo " Ứng dụng công nghệ Nano trong nông nghiệp".

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng hiện nay biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng cao, ô nhiễm môi trường nước ngày càng phức tạp, chất thải trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng.

Do đó, đẩy nhanh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật không chỉ làm giảm tác động đến môi trường mà còn làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre mong muốn Viện Công nghệ Nano tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Bến Tre để đưa các ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp đến với người dân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Yusuke Shiratori, trường Đại học Kyushu, Nhật Bản, vùng nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam hằng năm cho ra lượng chất thải rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh.

Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện sẽ góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, phát triển bền vững trong khu vực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Mậu Chiến, Viện trưởng Viện Công nghệ Nano cho biết, hội thảo sẽ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp như: Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động; hệ thống cảm biến Nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trong nuôi trồng thủy sản; sản phẩm của dự án Satreps sử dụng vốn ODA do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiêu liệu thế hệ mới – góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2015, tỉnh Bến Tre đã triển khai dự án xử lý chất thải trong nuôi tôm chuyển đổi thành năng lượng điện. Đến nay, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế các chất thải trong nuôi tôm thải ra môi trường.

Thời gian tới, Viện Công nghệ Nano sẽ giới thiệu, nhân rộng mô hình đến các hộ nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre và các tỉnh, thành khác trong khu vực, Tiến sĩ Đặng Mậu Chiến cho hay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục