Ứng dụng và phát triển ngô biến đổi gen ở Việt Nam

10:06' - 31/08/2015
BNEWS Để giảm giá thành sản xuất ngô cần tổng hợp các biện pháp, trong đó có ngô biến đổi gen.
Ngày 30/8, tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo Ứng dụng và phát triển ngô biến đổi gen ở Việt Nam.
Hội thảo Ứng dụng và phát triển ngô biến đổi gen ở Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN
Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho rằng, địa phương hoàn toàn ủng hộ các giống tốt được đưa đến với nông dân. Nhưng các công ty giống cần phối hợp chặt chẽ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có mô hình trình diễn tại địa phương. Nông dân khi tiếp cận giống mới cần có sự tiếp cận chính thống từ cơ quan quản lý để có định hướng tuyên truyền và gắn với trình diễn.
Ông Vương Đắc Hùng cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng điều kiện khi triển khai mô hình trình diễn, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý địa phương áp dụng trong thời gian tới.
Chung trăn trở như các địa phương khác, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Đoàn Thị Chải cho rằng, ngô nhập khẩu làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi rất nhiều và chủ yếu là ngô biến đổi gen. Nông dân rất phân vân giống ngô biến đổi gen ở Việt Nam có khác gì so với ngô nhập khẩu hay không. Cần công bố công khai vấn đề này để người dân có cách nhìn nhận khác về các giống ngô biến đổi gen.
Để nông dân được tiếp cận thông tin giống mới một cách khách quan, theo bà Đoàn Thị Chải, các doanh nghiệp khi triển khai tập huấn cho nông dân cũng phải nói rõ cái được và chưa được của giống ngô biến đổi gen với nông dân.
Theo ông Lê Hồng Nhu, Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, cây trồng biến đổi gen chỉ là tiền đề, không phải là toàn bộ cho sản xuất. Còn nhiều yếu tố cấu thành chi phí sản xuất nên Cục Trồng trọt vẫn cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, liên kết sản xuất… để giảm chi phí sản xuất ngô.
Phát biểu tại hội thảo, theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cây trồng biến đổi gen đã có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như cơ sở khoa học để mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Hiện công lao động chiếm giá thành cao nhất trong khi cơ giới hóa trong sản xuất ngô còn thấp. Như ở Sơn La, trồng ngô còn phụ thuộc vào “nước trời”. Để giảm giá thành sản xuất ngô cần tổng hợp các biện pháp, trong đó có ngô biến đổi gen.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần trung thực, rộng rãi đến nông dân. Doanh nghiệp cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông địa phương để cùng phối hợp trình diễn, tuyên truyền tới nông dân.
Điểm trình diễn ngô biến đổi gen ở Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, ngô biến đổi gen được sản xuất trong thực tế sẽ có thêm sự lựa chọn giống cho bà con. Những vùng không bị áp lực lớn về cỏ dại, hay sâu bệnh dưới 10% không nhất thiết phải sử dụng ngô biến đổi gen.
“Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” đặt mục tiêu đến năm 2020 diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích cây trồng biến đổi gen chiếm 30-70%.
Đến nay, Việt Nam đã có 4 sự kiện ngô biến đổi gen của Công ty TNHH Dekald Việt Nam, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và 10 sự kiện ngô, đậu tương biến đổi gen được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi./.
Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục